Truyện thiếu nhi -Bà mụ thứ mười bốn của Ngọc Châu. Một trong những truyện thiếu nhi hay và đặc sắc nhất.
Cu Tương khoái chí lắm khi khoe với các bạn trong lớp vỡ lòng rằng nó có
những mười bốn Bà Mụ, mẹ nó bảo thế. Cô Ven-ôsin đọc cho nó nghe tờ
công đức mới trên ban thờ, ghi rằng bố mẹ nó đã cúng tới một nửa quả
chuông ở chùa .. chùa.. gì Mụ ấy, ai cũng phải lác mắt khi đọc số tiền
tới chín con số trong tờ biên nhận công đức của nhà nó. Mẹ cu Tương hể
hả nói rằng nhờ thế mới xin được chư Tiên chư Phật ban thêm cho thằng
Tương một Bà Mụ nữa, để chăm sóc và độ trì cho thằng bé ở mọi lúc mọi
nơi, bù cho bố nó là ông tướng thật nhưng cứ đi biền biệt, có lúc nào để
ý đến con ...
_____
Nhi đồng Ngọc Châu
BÀ MỤ THỨ MƯỜI BỐN
Cu Tương khoái chí lắm khi khoe với các bạn trong lớp vỡ lòng rằng
nó có những mười bốn Bà Mụ, mẹ nó bảo thế. Cô Ven-ôsin đọc cho nó nghe
tờ công đức mới trên ban thờ, ghi rằng bố mẹ nó đã cúng tới một nửa quả
chuông ở chùa .. chùa.. gì Mụ ấy, ai cũng phải lác mắt khi đọc số tiền
tới chín con số trong tờ biên nhận công đức của nhà nó. Mẹ cu Tương hể
hả nói rằng nhờ thế mới xin được chư Tiên chư Phật ban thêm cho thằng
Tương một Bà Mụ nữa, để chăm sóc và độ trì cho thằng bé ở mọi lúc mọi
nơi, bù cho bố nó là ông tướng thật nhưng cứ đi biền biệt, có lúc nào để
ý đến con được đâu.
Cái Mi ngồi cạnh nó bảo:
- Xì, tưởng gì. Tớ á, tớ có mười.. mười sáu Bà Mụ cơ!
Thằng Tin thì đếm đếm các đốt ngón tay rồi tuyên bố:
- Tao có.. có hai mươi bà cơ. Mới đầu anh cu này định nói có một
trăm Bà Mụ, nhưng thấy số ấy hơi nhiều, bọn chúng sẽ bảo là nói phét nên
cu cậu giảm xuống con số hai mươi.
Tương ta tức ơi là tức. Nó có mười bốn Bà Mụ rõ ràng, cứ nghĩ là
nhiều hơn bọn ở lớp, vì mẹ nó bảo mọi đứa trẻ đều có mười hai Bà Mụ và
chung nhau một bà Chúa Mụ nữa, tính cả bà ấy vào mới là mười ba. Biết
thế từ đầu nó khoe ngay là có năm mươi bà, có phải hơn chúng nó không?!
Tức lắm, tức cha chả là tức! Khi một thằng bé tức, thường là mắt với
tai nó đỏ lên, vai với gáy thì râm ran như bị rôm đốt. Nhưng đã chót
nói rồi, bây giờ có bảo rằng mình có tới một trăm bốn mươi Bà Mụ, bọn
chúng nó cũng chẳng chịu thua đâu. Vậy nên tối hôm ấy, khi đi ngủ nó
khấn thầm trong mồm, rằng nó muốn các bà làm thế nào để các bạn trong
lớp biết rằng nó đúng là có mười bốn Bà Mụ, và có hơn một Bà Mụ thì phải
có điểm gì hơn những đứa khác một cách rõ ràng. Cu Tương cứ lẩm nhẩm
trong mồm, khấn rất lâu vì vẫn thấy mẹ nó bảo "có khấn có thiêng, có
kiêng có lành", cho đến khi Bà Mụ Ngủ phải lướt nhẹ bàn tay qua mi mắt,
để cho thằng bé ngủ thiếp đi.
Các Bà Mụ luôn luôn quan tâm tới đứa trẻ mà các bà đã nhận việc chăm
sóc, chúng muốn điều gì các bà cũng biết ngay, vì các bà lúc nào chẳng ở
sát bên cạnh đứa bé của mình. Vậy nên ngay lập tức cu Tương thấy mình
đang đi chơi với cái Mi, thằng Tin, thêm cả thằng Hên lớp bên cạnh, ở
một công viên rộng mênh mông có đủ ao hồ, sông suối, vườn chim, vườn
thú. Công viên ấy có núi xanh để trượt cỏ nhá, lại có cái hang Âm-Ti tối
thui, đứa nào bạo gan lắm mới dám bước vào, nhưng đã bước vào thì vừa
run vừa sướng với bao nhiêu thứ kì lạ, chưa từng thấy có ở bên ngoài.
Bốn đứa trẻ con nhưng cả thảy có tới bốn mươi chín Bà Mụ đi cùng. Bà
Chúa Mụ chẳng bao giờ đi với đứa trẻ nào đâu, bà ấy chỉ ngồi ở một nơi
theo dõi và nhắc nhở các Bà Mụ khác, vì bà ấy chỉ huy tất cả các Bà Mụ
cơ mà. Đông như vậy nhưng nhóm nào ra nhóm đó, chẳng hề va vào nhau vì
các bà có thể di chuyển hoặc bay rất nhanh theo các huớng, còn độn thổ
cả xuống dưới đất nữa cơ. Các bà xúm quanh đứa trẻ mình nhận bảo hộ, bốn
đứa lại đứng gần nhau nên chúng không nhận ra bà nào là của đứa nào.
Tuy nhiên Cu Tương nhận ra bà Mụ Thứ Mười Bốn của mình khá dễ dàng,
vì rằng các Bà khác đều mặc áo xanh trong khi bà này mặc áo vàng, mũ
vàng, hài vàng. Mọi thứ đều mạ vàng, là bộ đồ lễ mẹ nó mới sắm thêm hôm
qua, hóa riêng cho bà ấy.
Cu Tương khoái lắm. Thế là đúng rồi! Rõ ràng mình nó có mười ba Bà
Mụ, hơn chúng nó một bà, còn bà Chúa Mụ là của chung không nói làm gì.
Tuy vậy cả ba đứa kia đều đang hớn hở vì được đi chơi, mải mê với nhiều
trò lạ nên tụi chúng chẳng để ý đến chuyện các Bà Mụ mặc quần áo màu gì
và bà nào là của nhà đứa nào.
Sau khi ra khỏi hang Âm-Ti, bọn trẻ chạy tới chỗ chiếc cầu thăng
bằng. Không như ba đứa kia, cu Tương đặc biệt để ý đến các Bà Mụ, nó
thấy các bà ấy luôn luôn giúp đỡ hoặc uốn nắn cho đứa trẻ của mình nhiều
thứ. Đứa nào làm cái gì vụng về (chúng làm mà không để ý đâu), lập tức
có một Bà ngay cạnh đấy làm lại động tác ấy một cách khéo léo, thế là
đứa trẻ của bà tự nhiên làm lần thứ hai khéo gần như vậy, mặc dù Bà Mụ
chẳng cần phải giảng giải hoặc nói to "các em nhìn xem rồi bắt chước mà
làm nhá" như các cô giáo dạy ở lớp nó.
Lúc còn ở trong hang Âm-Ti, cái Mi cố vươn người ra để vớt bông hoa
màu đỏ rất đẹp nổi lập lờ trên mặt nuớc, đến mức tí nữa thì lộn cổ khỏi
con thuyền. Một Bà Mụ bay dập dờn cạnh nó liền cúi xuống, lấy tay vớt
vớt mặt nuớc khiến nuớc chảy về phía mình kéo cả bông hoa dạt đi theo.
Bà ấy chỉ vớt có hai lần- cu Tương nhìn rõ lắm, còn chính cái Mi lại
chẳng để ý đến động tác của bà- thế mà tự dưng nó cũng vớt nuớc theo
kiểu của Bà Mụ và lấy được bông hoa, con bé thích lắm cứ đưa bông hoa
lên vẫy vẫy những người ngồi trên chiếc thuyền khác đi ngang.
Thế mới gọi là các Bà Mụ chứ! Thật là cực kì. Mẹ nó bảo chính các bà
ấy đã phân chia nhau nặn từng bộ phận như cái chân, cái tay, tóc tai
mặt mũi, rồi ghép thành đứa trẻ con trong bào thai, khi chúng ra đời mỗi
bà lại nhận một nhiệm vụ dạy dỗ và săn sóc đến hết tuổi ấu thơ của
chúng. Bà thì chuyên dạy trẻ con cười, bà dạy cách ăn, ngủ, lẫm chẫm đi
lại.., chẳng thế mà mỗi đứa trẻ phải có đến mười hai Bà Mụ.
Mải há mồm nhìn các Bà Mụ của bọn cái Mi, thằng Hên nên cu Tương
chẳng để ý đến mười ba Bà Mụ Của Mình, lúc này cu cậu chợt thấy cạnh
mình chỉ có Bà Mụ Thứ Mười Bốn, là bà mặc quần áo vàng, các bà khác
không hiểu sao đều bay bay ở tít trên cao. Không biết từ lúc đi chơi đến
giờ các Bà Mụ của nó đã làm mẫu và uốn nắn những gì cho nó, nhưng cu
cậu chợt nhận thấy rằng hình như nó chẳng phải làm gì cả, đúng thế thật,
từ lâu lâu rồi cơ.
Cu Tương vừa định leo mấy bậc lên chiếc cầu thăng bằng thì chân nó
đã nhấc từng buớc nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng vì Bà Mụ Thứ Mười Bốn cúi
người thổi cho nó bay lên. Nó cắn và nhai miếng bánh mì kẹp chả thì
miếng bánh tự nhiên tan ra ở trong mồm, không cần nuốt đã êm ái trôi
xuống dạ dày. Sướng thật đấy, nhất là khi đi cầu thăng bằng, cái Mi
không nói làm gì nhưng ngay thằng Hên cũng cứ ngã dúi dụi, có lần rơi
khỏi cầu bệt đít xuống đất. Bà Mụ của nó phải lặng lẽ làm mẫu mấy lần
cu cậu mới đi qua cầu được một lần, mà còn loạng choạng lắm. Thế nhưng
cu Tương vừa đặt chân lên tấm ván thì Bà Mụ áo vàng đã nhẹ nhàng, rất
nhẹ nhàng đỡ hai bên vai cho nó thong dong đi một lèo qua cầu sang bên
kia, khiến ba đứa trẻ còn lại ngẩn mặt ra mà thán phục. Sướng còn ở chỗ
hình như ba đứa kia không nhìn thấy Bà Mụ Thứ Mười Bốn đỡ vai cho nó đi
như thế nào!
Từ ngày mẹ cu Tương xin thêm được Bà Mụ Thứ Mười Bốn, thằng bé làm
cái gì cũng khéo léo, giỏi giang vì thực ra nó chẳng phải làm gì cả. Bà
Mụ áo vàng đã tranh hết việc của các bà áo xanh, không hướng dẫn và làm
mẫu mà luôn sốt sắng làm thay cho nó mọi thứ.
Đúng hôm ông tướng, bố của cu Tương được nghỉ phép về thăm nhà thì
các Bà Mụ báo mộng cho mẹ nó rằng họ sẽ nghỉ ít ngày để về Trời dự Hội
nghị Thiên cung. Mẹ cu Tương không hề nài nỉ xin một vài bà ở lại trợ
giúp vì thấy con mình làm cái gì cũng đã giỏi giang, khéo léo.
Bố nó bảo:
- Mẹ nó ạ, từ giờ gọi thằng cu nhà mình theo đúng tên đi. Cả nhà cứ
gọi nó là cu Thành Tương cho dân dã và dễ nuôi, chứ tên khai sinh của nó
là Công Thành Tướng cơ mà, tôi và bà đều mong muốn sau này nó sẽ không
tiếc công sức rèn luyện, phấn đấu để trở thành một vị tướng như bố nó.
Có làm được như thế không hở cu con?- Bố quay sang hỏi cu Tương như vậy.
- Làm được bố ạ. Con thích làm tướng như bố lắm!- Thằng bé hớn hở.
Nó chạy vụt vào nhà đem cây kiếm gỗ ra múa để khoe tài với bố. Mọi ngày
cu Tương múa khéo lắm, nhưng hôm nay không hiểu sao tay chân cứ lóng nga
lóng ngóng, tua ở chuôi kiếm mắc vào thắt lưng trong vạt áo gỡ mãi mới
ra, tung chiêu "sát thủ" đâm chéo lên thì mũi kiếm lại chọc vào khe cổ
tay áo bên trái, tí nữa sứt da ở cổ tay. Lạ thật, mà chẳng phải riêng
chuyện múa kiếm đâu: lúc ăn, cơm vãi tung tóe ra ngoài, húp nước súp gà
thì bị sặc đến phát ho phát hen, khi cu cậu đi tè không hiểu sao cũng để
một dòng.. nước nóng tóe vào ống quần, khiến mẹ nó phải bảo cô Ven-ôsin
thay ngay cho cậu con cưng.
Tướng bố và tuớng con đều không hiểu tại sao lại như vậy, chỉ có bà
mẹ là biết nguyên nhân. Bà vội vàng đến bên ban thờ thắp nhang khấn
khứa. Khấn khẽ lắm, chỉ có chư Tiên chư Phật mới nghe thấy lời khấn của
mẹ thằng bé xin các Bà Mụ mau trở về. Bà còn xin thêm Bà Mụ Thứ Mười Lăm
cho nó, hứa rằng sẽ công đức số tiền lớn để mạ vàng tất cả các bức
tượng của ngôi chùa đã cúng một nửa quả chuông.
Cu Tương sướng thật. Nó sẽ chẳng phải học, phải làm cái gì cả. Rồi
thì hai Bà Mụ thứ mười bốn và mười lăm mặc quần áo vàng, đi hài vàng,
hưởng mọi thứ ưu đãi của mẹ cu Tương sẽ tranh nhau làm hết mọi việc hộ
nó, không kịp để cho mười hai Bà áo xanh hướng dẫn như với những đứa bé
khác.
Không hiểu như vậy rồi thì.., liệu có ngày nào chúng mình được xem cu cậu nhận lon tướng không nhỉ?
Ngọc Châu
Comments[ 0 ]
Post a Comment