BÀ CHÚA NGỌC
Tuesday, September 3, 2013
Ngày xưa, ở xã Đại An gần cù lao Huân tỉnh Khánh Hòa có một đôi vợ
chồng già không có con cái. Ông bà ở trong một căn nhà lá dựng bên vách
núi, làm nghề trồng dưa. Năm ấy, đến độ dưa chín, sáng nào ra ruộng
thăm, ông bà cũng thấy dưa bị hái trộm. Lạ một điều, chỉ có một quả dưa
lớn nhất đẹp nhất là bị hái, nhưng kẻ trộm không ăn mà cũng chẳng mang
đi. Quả dưa còn nằm ở một chỗ trống, nhưng bưng lên đã thấy bị nẫu.
Thấy sự lạ, hai ông bà bèn bàn nhau cất công để ý rình. Rồi một đêm
trăng sáng, họ đến nấp vào một bụi cây cạnh ruộng. Gần đến nửa đêm, bỗng
đâu có cô gái trạc độ mười ba mười bốn tuổi tự nhiên hiện ra ở giữa
ruộng dưa. Cô gái rón rén đi, nhìn ngắm từng quả dưa một, rồi sau đó,
hình như đã chọn được quả ưng ý nhất thì cúi xuống hái lên. Cô ngắm đi
ngắm lại mãi, rồi tìm ra một chỗ trống, tung quả dưa từ tay bên này sang
tay bên kia, và cứ như thế, một lúc lâu, sau lại ôm lấy quả dưa mà ngắm
nghía mãi không biết chán…
Đúng lúc ấy, từ chỗ nấp, hai ông bà chạy ùa cả ra, nắm ngay lấy tay cô
gái. Còn cô gái, tuy không chạy trốn kịp nhưng cũng chẳng tỏ ra có chút
gì sợ hãi. Cô trả cho họ quả dưa, và khi được hỏi thì cô lễ phép trả
lời: Cô là con nhà nghèo không còn cả cha lẫn mẹ, nhà cô ở cách đây rất
xa và cô cũng chẳng nhớ được quê mình ở đâu nữa…
Thấy cô gái dễ thương, lại nghĩ mình không có con cái, nên ông bà bàn
nhau nhận cô về làm con nuôi, rồi cả hai cùng nói với cô gái…
Còn cô gái, thấy cử chỉ, lời lẽ của hai ông bà đều chân thành thì cô im lặng lắng nghe và suy nghĩ, rồi sau đó nhận lời.
Cô theo họ về nhà. Sáng hôm sau, hai ông bà sửa lễ gia tiên, rồi hai bên
chính thức nhận nhau là bố mẹ và con cáịî. Từ đấy trong ngôi nhà của
họ, không khí vui vẻ đầm ấm hẳn lên. Hai ông bà hết lòng yêu thương chăm
sóc cô, còn cô thì cũng rất mực yêu thương kính trọng bố mẹ.
Một hôm trời đổ cơn mưa lớn, nước lũ ở thượng nguồn tràn về mênh mang,
khiến mọi người đều ở trong nhà không ai đi làm được cả. Bố mẹ cô, lẽ dĩ
nhiên là rất lo lắng, mong sao cho nước mau cạn để cây cối khỏi bị chết
úng, thì cô, do tính tình còn trẻ dại, lại thích nô đùa. Rồi cô xuống
bên mé nước cậy đá lên, xếp chúng thành một hòn núi giả, lại đi tìm
những cành lá gẫy cắm vào xung quanh, để chơi…
Thấy vậy, ông bà bực quá, nghĩ rằng con cái chẳng hiểu được lòng bố mẹ,
bèn lên tiếng trách cứ rồi la mắng. Nào ngờ, cô gái thấy tủi thân quá,
bèn lủi ra đầu hồi nhà, đứng khóc một mình. Một lúc lâu sau, nhân lúc bố
mẹ không ai để ý, cô lại lén ra khỏi nhà, rồi men theo những dải đất
cao, đi ra phía bờ biển. Cũng lúc ấy, dập dềnh bên mé nước có một cây gỗ
kỳ nam, không biết trôi từ đâu đến. Cô gái còn khóc hồi nữa, rồi nhìn
quanh nhìn quẩn, thấy mình hoàn toàn lẻ loi, cô đơn, cô bèn nhảy luôn
lên cây gỗ, và một điều kỳ lạ xảy ra: Cô gái đã nhập thân vào cây gỗ.
Cây gỗ dập dềnh ở đấy một lúc nữa, như có điều gì còn ghi nhớ và lưu
luyến, rồi sau đó, theo sóng biển, trôi mãi lên phương Bắc…
Ông bà bố mẹ nuôi cô gái đang bận việc chẻ củi và may vá trong nhà,
tưởng con khóc rồi chơi ở ngoài đầu hồi, nên cũng không để ý. Đến mãi
sau, khi lên tiếng gọi thì chẳng thấy con đâu! Hai ông bà bèn nháo nhào
đi tìm nhưng khắp chốn cùng nơi, cũng vẫn tuyệt âm vô tín. Nước lụt mênh
mang như thế, lại đang cuộn chảy mãi ra biển, họ cho là con gái xảy
chân đã trôi ra biển mất rồị Thế là ông bà gào thét, khóc than thảm
thiết, sau đó làm lễ cúng chay cho con, và từ đấy trở đi, sống âm thầm,
rầu rĩ cho đến cuối đời…
Còn cây gỗ kỳ nam, sau một hồi dập dềnh rồi trôi lên phương Bắc, và cứ
thế trôi mãi… trôi mãi… Đến khi sóng lặng gió yên thì đã trôi được cả
ngàn dặm đường và dạt vào bờ…
Một buổi sáng dân địa phương nọ ra bờ biển, vô cùng ngạc nhiên thấy có
cây gỗ lạ rất đẹp trôi từ đâu đến. Họ bảo nhau mang thừng chão ra buộc
vào rồi cùng kéo lên bờ, nhưng hàng trăm người xúm vào mà cây vẫn không
nhúc nhích. Họ bèn đóng cọc ghim lại để tìm kế sách khác, và cũng từ
đấy, dường như ngay tức khắc, tiếng đồn về cây gỗ kỳ lạ đã lan ra khắp
cả vùng.
Hoàng tử ở phương Bắc bấy giờ vào tuổi kén vợ, đang đi chu du khắp chốn
cùng nơi để tìm cho ra một người ưng ý. Khi đến vùng này, nghe chuyện
cây gỗ kỳ lạ, chàng cũng tò mò tìm đến. Thấy cây gỗ đẹp thì có đẹp nhưng
cũng không lớn lắm mà sao cả trăm người kéo không được thì chàng lấy
làm lạ lắm. Cũng vẫn là tò mò, chàng xắn tay áo lên, bảo mọi người cho
mình kéo thử một cái xem saọ
Chiều ý Hoàng tử, mọi người lui cả ra. Nhưng thật vô cùng bất ngờ, khi
hoàng tử vừa cầm thừng co tay lại thì cây gỗ cũng lập tức chuyển động,
rồi dần dần, theo sức kéo mà tiến vào bờ. Đến khi chạm đất, Hoàng tử kéo
mạnh một cái nữa thì cây hoàn toàn đã nằm trên bãi biển.
Mọi người vô cùng phấn khởi, vỗ tay reo hò không ngớt. Xong xuôi, sau
khi hỏi ý kiến dân làng, Hoàng tử cho quân lính đem cây gỗ về Kinh đô.
Về phía dân làng, tuy cũng có người còn tiếc rẻ, nhưng đa phần cho rằng,
đưa cây gỗ về kinh là hợp lý hơn cả vì như vậy tất cả bàn dân thiên hạ
sẽ đều được chiêm ngưỡng. Còn về phía Hoàng tử thì cũng chẳng có vui
mừng nào hơn, chàng cho là có duyên cớ, bèn không tiếp tục đi tìm vợ
nữa, mà cùng quân lính trở về kinh, cùng với cây gỗ.
Khỏi phải nói, khi về đến Kinh đô thì mọi người, mọi nơi nghe tiếng, nao
nức tìm đến xem đông như thế nàọ Nhưng rồi sự kiện ấy cũng mau chóng
qua đi bởi lẽ mọi người nhìn mãi rồi cũng chán, vì cây đẹp thì có đẹp
nhưng chẳng thấy có biểu hiện gì là lạ lùng cả. Mà dân chúng cần là cần
sự lạ lùng, xưa nay chưa từng có, chứ không phải là một cái cây đẹp.
Chỉ riêng có Hoàng tử, do chính tay mình đã chứng kiến và thực hiện được
một điều kỳ diệu, nên còn giữ mãi trong lòng sự vui mừng và niềm mong
đợi. Khi mọi người đã xem chán xem chê, đến mức không còn ai thiết xem
nữa, thì Hoàng tử mới sai quân lính đem cây về trước Đông cung để hàng
ngày được nhìn ngắm và gần gũi với câỵ
Cây quả là đã có tình ý với Hoàng tử thật. Từ đó trở đi, mỗi đêm trăng
sáng, Hoàng tử bỗng thấy trong thân gỗ bước ra một người con gái xinh
đẹp tuyệt trần, và cùng lúc, là mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra theo mỗi
bước chân của nàng.
Mê mẩn trước người đẹp, Hoàng tử vội vàng chạy tới, nhưng lần nào cũng
vậy, hễ cứ giáp mặt, là người con gái lại biến ngay vào trong thân gỗ.
Sau vài lần như thế, Hoàng tử đã nghĩ ra được một cách, cũng khá đơn
giản chứ chẳng có gì ghê gớm lắm. Chàng cho mấy người lính hầu đứng nấp ở
xung quanh, còn tự mình cũng nấp sau ở gần đấỵ Khi cô gái vừa xuất hiện
thì Hoàng tử đã bước ra nắm chặt lấy tay nàng, và mấy người lính cũng
lập tức khiêng cây gỗ đem dấu biến đi. Hoàng tử bảo cô gái hãy vui lòng
vì chàng mà ở lại. Cô gái e lệ cúi đầu. Thế rồi, ngay lúc đó chàng dẫn
nàng đến trình với đức vua cha và hoàng hậu, kể lại hết đầu đuôi ngọn
ngành, và xin cha mẹ hãy tác thành cho họ.
Nhà vua lắng nghe, rồi nói: “Được. Để xem”, xong cho gọi thị nữ đưa nàng về phòng riêng, còn Hoàng tử thì trở về Đông cung.
Sáng hôm sau thiết triều, nhà vua cho triệu quan Thái bốc lại để bói xem
điều lành điều gở thế nào. Sau khi nghe tấu trình là quẻ đại phúc, nhà
vua cả mừng rồi ngay sau đó, cho cử đại lễ để hoàng tử sánh duyên cùng
cô gái.
Từ đó, cuộc sum vầy của đôi trai gái diễn ra thật vô cùng êm ả, hạnh phúc. Ba năm sau, họ sinh được một gái và một trai.
Tưởng rằng cuộc tình duyên ấy sẽ mặn nồng mãi mãi đến lúc đầu bạc răng
long. Nào ngờ Hoàng tử cũng là kẻ bạc tình, chỉ chung thủy được có mấy
năm đầu. Khi vợ đã có con thì chàng ta đâm ra hay chơi bời chứ chẳng
quan tâm được như trước. Nay rượu, mai cờ bạc, rồi đi dong duổi khắp
nơi, không chú ý gì đến việc dạy dỗ con cái. Nàng đã nhiều lần khuyên
can nhưng chàng vẫn chứng nào tật ấy, làm nàng rất chán nản. Vì vậy, ở
trong hoàng cung, sống giữa nhung lụa, kẻ hầu người hạ không thiếu, mà
nàng cảm thấy bơ vơ, rồi buồn tủi xót xa, chỉ muốn tìm cách bỏ đi, không
chút luyến tiếc. Bởi vì con người ta vốn là vậy, nên dẫu là thần thánh,
thì khi tình yêu đã hết, tất cả sẽ chỉ là vô nghĩa.
Thế rồi một hôm, nhân khi Hoàng tử bỏ đi chơi lâu ngày, nàng tìm thấy
cây kỳ nam mà khi trước bọn lính đã đem dấu biệt. Nàng gọi hai con đến
rồi đọc một câu thần chú, thế là cả ba mẹ con cùng nhập vào cây kỳ nam.
Cây kỳ nam tự chuyển động rời khỏi hoàng cung rồi lăn xuống sông. Từ
sông, kỳ nam dòng nước trôi ra biển. Biển lúc ấy bỗng nhiên nổi luồng
gió trái. Và theo chiều gió, cây kỳ nam trôi mãi, trôi mãi… Cuối cùng
trở lại biển phương Nam.
Đến đúng trước cù lao Huân thì gió lặng và cây kỳ nam dừng lạị Cây trôi
vào sát mép nước. Từ thân cây, cả ba mẹ con bỗng chốc hiện ra, bước lên
bờ, rồi trở về nhà cũ. Cả hai ông bà cha mẹ nuôi lúc ấy đều đã mất. Nhà
vắng vẻ tiêu điều. Ba mẹ con bắt tay ngay vào việc dọn dẹp sửa sang cửa
nhà, lập bàn thờ cha mẹ, ông bà tổ tiên, rồi cùng làm ăn sinh sống với
dân làng. Từ đấy trở đi, quê hương, vùng cù lao Huân mỗi ngày một thêm
ấm no, trù phú. Thế rồi đến một hôm, giữa lúc trời quang mây tạnh, trước
sự chứng kiến và ngạc nhiên của mọi người, cả ba mẹ con cùng bay vút
lên trời…
Ở phương Bắc, Hoàng tử đi chơi về thấy vợ con mất tích. Tìm cây kỳ nam
ngày trước thì cũng chẳng thấy đâu. Chàng hối hận vô cùng, lòng tự nhủ
lòng sẽ tìm ra bằng được ba mẹ con, dẫu có phải đi xuống tận địa ngục.
Khi xưa, lúc ở bờ biển chàng có nghe dân chúng nói cây gỗ này trôi từ
biển phương Nam lạị Thế là Hoàng tử vào từ biệt vua cha và hoàng hậu,
rồi cùng một số gia nhân, binh lính và thủy thủ xuống thuyền, dong buồm
vượt biển hướng về phương Nam.
Khi thuyền vừa đúng đến cửa Đại An thì bỗng đâu một trận cuồng phong dữ
dội nổi lên. Thuyền đắm, cả Hoàng tử cùng gia nhân thủy thủ đều chìm sâu
xuống đáy nước. Nhưng khi cơn bão tan thì tự nhiên biển ở chỗ ấy cũng
nổi lên một mô đá nhỏ, vượt cao khỏi mặt nước. Trên mặt mô đá có những
hình thù ngoằn ngoèo tựa như những hàng chữ nổi. Từ bao đời nay, đã có
nhiều người hay chữ và kiến thức uyên bác đi thuyền tới đó, nhưng chưa
ai đọc được đấy là những chữ gì. Và có lẽ như thế nên có thể cho rằng,
những điều bí mật của thiên cơ, chắc còn lâu người ở dưới trần gian mới
có thể hiểu thấu được hết.
Ba mẹ con nàng tiên đã về trời, nhưng từ đó đến nay vẫn thường hiển linh
ở các nơi gần xa quanh vùng cửa Đại An, vùng cù lao Huân, cù lao Yến.
Vì vậy dân đi biển, đi đánh cá, đi tìm tổ yến vẫn thường bày lễ vật,
thắp hương rồi hướng mặt lên trời cao cầu xin sự che chở, phù hộ độ trì
của nàng tiên, mà từ đó trở đi được kính cẩn tôn xưng là bà chúa Ngọc.
Bà chúa Ngọc còn được gọi là bà chúa tiên hay Thánh mẫu Thiên Ya na,
theo cách gọi của người Chăm pa, một dân tộc đã định cư lâu dài ở vùng
đất nàỵ Từ Huế đến Nha Trang ở đâu cũng có điện thờ bà chúa Ngọc. Triều
Nguyễn có sắc thượng phong cho bà là “Hồng Nhân phổ tế linh ứng Thượng
đẳng thần”.
Tại Nha Trang có tháp lớn cao sáu trượng để thờ bà chúa Ngọc. Lại có cả
những tháp nhỏ xung quanh để thờ Hoàng tử, hai người con và hai ông bà
bố mẹ nuôi. Bia đặt trong tháp lớn do chính tay quan đại thần Phan Thanh
Giản thời Tự Đức soạn.
Trước kia, hàng năm triều Nguyễn đều ủy thác cho bộ Lễ về đây làm lễ quốc tế.
Tags:
truyen-thieu-nhi,
truyen-thieu-nhi-hay
Comments[ 0 ]
Post a Comment