Friday, September 6, 2013

Truyện thiếu nhi kinh điển

Truyện thiếu nhi kinh điển dành cho các bạn thiếu niên nhi đồng. Mời các bạn và các bậc cha mẹ đón đọc

truyện thiếu nhi kinh điển



Nhằm giúp các em thiếu nhi có hình thức giải trí phù hợp khi bước vào kỳ nghỉ hè 2013, Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam giới thiệu nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc.
Những cuốn sách được thực hiện công phu sẽ mang đến cho độc giả trẻ những phút giây giải trí thú vị, bổ ích.
Chuyện của Katy, tác giả: Susan Coolidge
Susan Coolidge, tên thật Sarah Chauncey Woolsey (1835 - 1905), là nhà văn người Mỹ chuyên viết truyện thiếu nhi... Susan khởi đầu nghiệp viết văn sau khi làm y tá phục vụ trong Nội chiến Mỹ (1861 - 1865). Chuyện của Katy là tác phẩm nổi tiếng nhất của bà.
Chuyện của Katy là tác phẩm thiếu nhi kinh điển xuất bản năm 1872. Đây là tập mở đầu cho series ba cuốn về Katy, một bé gái 12 tuổi người Mỹ. Bối cảnh câu chuyện diễn ra tại một thị trấn Burnet hư cấu thuộc bang Ohio trong khoảng năm 1860 - 1870. Chỉ là câu chuyện giản dị về cô bé Katy, nhưng kể từ lần đầu xuất hiện năm 1872, Chuyện của Katy chưa bao giờ thôi cuốn hút. Những tưởng không có gì lạ về một cô bé nghịch ngợm, giàu trí tưởng tượng thường xuyên gặp rắc rối, ngay cả khi những rắc rối ấy có thể khiến bạn cười lăn. Ấy thế mà, khi dõi theo quá trình trưởng thành của cô bé ấy, nhất là sau một biến cố buộc cô gắn với giường bệnh bốn năm trời, người đọc sẽ cảm thấy đó là một trải nghiệm đáng nhớ.
Gemma giành lại bạn thân, tác giả: Jacqueline Wilson
Nhà văn người Anh Jacqueline Wilson sinh ngày 17/12/1945 nổi tiếng với lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú viết cho thiếu nhi. Từ nhỏ Wilson đã mong muốn trở thành nhà văn, bà bắt đầu viết cuốn “tiểu thuyết đầu tiên” hồi chín tuổi. Bà là một trong những nhà văn viết cho giới trẻ được yêu thích nhất ở Anh. Năm 2002 Wilson được trao huân chương OBE và năm 2005 - 2007, bà giành giải Children’s Laureate – giải thưởng dành cho tác giả thiếu nhi xuất sắc.
Gemma giành lại bạn thân kể về câu chuyện của Gemma với người bạn Alice thân thiết từ khi lọt lòng. Năm nào hai đứa cũng cùng thổi nến sinh nhật và thì thầm lời ước là bạn thân mãi mãi, mãi mãi. Tới một ngày, tình bạn bao năm của Gemma và Alice bị đe dọa. Từ đâu con bé Flora bỗng xuất hiện, chen ngang vào tình bạn khăng khít đó, đẩy Gemma bướng bỉnh vào một cuộc chiến - cuộc chiến giành lại người bạn thân thiết nhất.
Harriet tung hoành, tác giả: Louise Fitzhugh
Louise Fitzhugh sinh năm 1928 tại Memphis, Tennessee. Fitzhugh bắt đầu cầm bút từ năm mười một tuổi. Cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi nổi tiếng nhất của bà chính là Harriet tung hoành, được coi là cột mốc trong văn học thiếu nhi và được dựng thành phim.
Harriet tung hoành kể về Harriet M. Welsch, mười một tuổi, hiện sống ở Mạn Thượng Đông thành phố New York. Cô bé say mê viết lách và ước ao trở thành một điệp viên. Được cô Ole Golly khích lệ, Harriet thận trọng quan sát mọi người xung quanh rồi ghi lại những suy nghĩ và phân tích vào một quyển vở, như là tập dượt cho nghề nghiệp sau này. Chiều chiều Harriet đi theo một “tuyến đường gián điệp” nhất định, bí mật quan sát bạn bè và xóm giềng. Rồi một ngày, quyển vở ghi chép quý giá đó bị mất, rơi vào tay các bạn, và tất cả sửng sốt trước những sự thật quá đỗi thành thực được phơi bày trong đó…
Cô gà mái xổng chuồng, tác giả: Hwang Sun-mi
Hwang Sun-mi sinh năm 1963 ở Hongseong, Hàn Quốc. Hwang Sun-mi được trao nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi trong nước, trong đó có Giải thưởng truyền thông thiếu nhi của đài SBS (SBS Children’s Media Award) năm 2001 và Giải thưởng văn học thiếu nhi Se-jong (Se-jong Children’s Literature Award) năm 2003.
Cô gà mái xổng chuồng là một trong những tác phẩm thành công nhất của Hwang Sun-mi, đã được xuất bản sang 9 thứ tiếng và được chuyển thể thành bộ phim hoạt hình Leafie, A Hen into the Wild năm 2011 và gây tiếng vang lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế.
Hoàng tử bé, tác giả: Antoine de Saint Éxupéry
truyen thieu nhi kinh điển 
 Bìa cuốn "Hoàng tử bé" (Ảnh: NXB Nhã Nam cung cấp)

Antoine de Saint – Exupéry sinh ngày 29 tháng 6 năm 1900 tại Lyon, Pháp. Từ thời thơ ấu, cậu bé Antoine đã nuôi dưỡng niềm say mê bất tận với máy bay. Độc giả biết đến ông qua cuốn sách đầu tay L’aviateur (Phi công), “Courrier du Sud” (Thư phương Nam), “Vol de nuit” (Bay đêm) và đặc biệt, “Terre des hommes” (Xứ con người) giành Giải thưởng của Viện Hàn Lâm Pháp năm 1939.
Hoàng tử bé được bình chọn là tác phẩm hay nhất thế kỉ 20 ở Pháp, đồng thời cũng là cuốn sách Pháp được dịch và được đọc nhiều nhất trên thế giới. Với 250 ngôn ngữ dịch khác nhau kể cả phương ngữ cùng hơn 200 triệu bản in trên toàn thế giới, Hoàng tử bé được coi là một trong những tác phẩm bán chạy nhất của nhân loại.
Ở Việt Nam, Hoàng tử bé được dịch và xuất bản khá sớm. Từ năm 1966 đã có đồng thời hai bản dịch: Hoàng tử bé của Bùi Giáng do NXB An Tiêm xuất bản và Cậu hoàng con của Trần Thiện Đạo do NXB Khai Trí xuất bản. Từ đó đến nay đã có thêm nhiều bản dịch Hoàng tử bé mới của các dịch giả khác nhau. Bản dịch Hoàng tử bé lần này, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hoàng tử bé ra đời, cũng là ấn bản đầu tiên được Gallimard chính thức chuyển nhượng bản quyền tại Việt Nam.
Ngọc Phương Nam, tác giả: Jules Verne
Jules Gabriel Verne, thường được biết đến với tên Jules Verne (1828 - 1905), là nhà văn Pháp nổi tiếng, người đi tiên phong trong thể loại văn học Khoa học viễn tưởng và được coi là một trong những "cha đẻ" của thể loại này. Với những tác phẩm nổi tiếng như Hành trình vào tâm Trái Đất (1864), Hai vạn dặm dưới biển (1870), Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (1873), Jules Verne đã đề cập đến những cuộc phiêu lưu bằng máy bay, tàu ngầm hay những chuyến du hành vào vũ trụ trước khi những phương tiện này được con người phát minh trong thực tế.
Ngọc Phương Nam đưa độc giả vào thế giới kỳ bí, vừa hoang sơ vừa hùng tráng, vừa thô mộc vừa diễm lệ của những viên kim cương, đưa ta vào công việc lao động chân tay và cuộc sống chất phác, lao khổ của người thợ mỏ kim cương, cuộc sống ấy được đặt bên cạnh và tương phản mãnh liệt với tính chất phù phiếm tột cùng của thế giới đá quý..../.

No comments:

Post a Comment