Tổng hợp top truyện thiếu nhi hay nhất Việt Nam được các bạn yêu thích nhất năm 2013. Nhiều tác phẩm văn học đã được yêu thích trong lòng các bạn nhỏ tuổi.
Sau đây là những tác phẩm hay đi cùng năm tháng
10 tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của VN
"Dế mèn phiêu lưu ký", "Đất rừng phương Nam" hay
"Tuổi thơ dữ dội"…là những cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ
thiếu nhi Việt Nam.
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và biên soạn
|
“Tôi yêu truyện cổ nước tôi - Vừa nhân hậu lại
tuyệt vời sâu xa”. Trước khi tiếp xúc với văn học thiếu nhi trong nước
và thế giới, một em bé nên được kể cho nghe chuyện cổ tích của chính đất
nước mình.
Truyện cổ tích Việt Nam lý giải nguồn gốc hình
thành đất Việt cũng như sự xuất hiện của mọi sự vật, hiện tượng: từ quả
dưa hấu, con dã tràng đến phong tục trồng cây nêu ngày Tết. Những câu
chuyện phản ánh khát vọng ngàn đời của dân tộc ta về một cuộc sống yên
bình, ấm no và cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Con người Việt Nam
trong truyện hiện lên nhân nghĩa thủy chung, giàu nghĩa khí, lý tưởng và
yêu chuộng hòa bình. Những câu truyện như Trầu cau, Tấm Cám, Thánh Gióng… đã nuôi dưỡng bồi đắp tâm hồn, phát huy trí tưởng tượng của biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Bộ sưu tập truyện cổ tích Việt Nam trọn vẹn và đầy đủ nhất là bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam,
năm tập do giáo dư Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và biên soạn. Đây chính là
kết quả của 25 năm (1957-1982) dày công nghiên cứu, tổng hợp và viết lại
khoảng 2000 câu truyện của giáo sư. Bộ sách đưa ra nhiều kiến giải mới
mẻ về truyện cổ tích Việt Nam trong mối tương quan với truyện cổ tích
thế giới và được sắp xếp theo một hệ thống khoa học, hợp lý.
Dế mèn phiêu lưu ký (1942) - Tô Hoài
|
Dế mèn phiêu lưu ký đã trở thành một tác
phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi Việt Nam và được đưa vào giảng
dạy trong nhà trường. Bằng sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế, Tô Hoài đã vẽ
nên một thế giới côn trùng sinh động và phức tạp chẳng kém gì thế giới
loài người. Những đặc điểm thú vị và thói quen sinh hoạt đặc trưng của
các loài Dế, Xén tóc, Cóc, Châu Chấu, Kiến… sẽ rất hấp dẫn đối với các
độc giả nhỏ tuổi, lứa tuổi thích khám phá tìm hiểu về thế giới xung
quanh.
Dế mèn phiêu lưu ký được viết bằng một
giọng văn hài hước và ý nhị. Câu chuyện có nhiều biến cố, tình huống bất
ngờ kích thích trí tưởng tượng của các em nhỏ. Nhân vật chính của tác
phẩm, chàng Dế mèn vừa can đảm, tốt bụng, trượng nghĩa nhưng cũng có
những lúc kiêu căng, ngạo mạn, gây ra bao hậu quả... sẽ đem lại cho các
em những bài học đầu tiên về tình bạn và cách ứng xử trong cuộc sống.
Đây cũng là tác phẩm giàu lý tưởng, ấp ủ mơ ước về một thế giới đại
đồng, nơi tất cả đều là anh em, bạn bè. Đến nay, Dế mèn phiêu lưu ký đã chu du tới gần 40 quốc gia và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới.
Đất rừng phương Nam (1957) - Đoàn Giỏi
|
Lấy bối cảnh những năm 1945, khi thực dân Pháp vừa
trở lại Nam Bộ, “Đất rừng phương Nam” theo chân cậu bé An phiêu bạt
khắp miền “mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh".
Tiểu thuyết ngồn ngộn những chi tiết hấp dẫn, thú
vị về thiên nhiên và con người Nam Bộ. Những trang sách miêu tả cảnh câu
rắn, bắt cá sấu, cách nuôi ong lấy mật trong rừng U Minh hay cảnh An và
cha nuôi chạm trán với hổ… chắc chắn sẽ làm say mê những độc giả nhỏ
tuổi. Ngòi bút của Đoàn Giỏi tỏ ra đặc biệt phóng khoáng và tràn đầy sức
sống khi miêu tả khung cảnh thiên nhiên hoang sơ của vùng Tây Nam Bộ.
Nhưng nổi bật nhất trong cuốn tiểu thuyết vẫn là tình người đơn sơ, giản
dị cùng tính cách hào sảng, trọng nghĩa khí, “giữa đường thất chuyện
bất bình chẳng tha” của người Nam Bộ.
"Đất rừng phương Nam" đã được dịch ra nhiều thứ
tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha. Năm 1997, tiểu thuyết
được chuyển thể thành phim Đất phương Nam, do NSƯT Nguyễn Vinh
Sơn đạo diễn và viết kịch bản. Bộ phim rất được yêu thích và được đánh
giá là một trong những phim truyền hình xuất sắc của Việt Nam.
Góc sân và khoảng trời (1968) - Trần Đăng Khoa
|
“Góc sân và khoảng trời” xuất bản lần đầu tiên vào
năm 1968 khi tác giả mới 10 tuổi. Tập thơ đã góp phần gây dựng nên danh
hiệu “thần đồng thơ” một thời cho nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Tập thơ là cái nhìn trong trẻo đầy bỡ ngỡ và yêu
thương đối với tất cả những điều nhỏ bé, giản dị của cuộc sống xung
quanh. Thế giới trong thơ Trần Đăng Khoa chỉ quanh quẩn trong vườn nhà
với vầng trăng, cây dừa, đàn gà, giàn trầu hoặc trong phạm vi lũy tre
làng với dòng sông, cánh cò, con trâu đang gặm cỏ… Nhưng tất cả thế giới
loài vật ấy đã được nhân cách hóa, trở nên sống động xôn xao với những
suy nghĩ, lo toan, tình cảm như con người.
Trần Đăng Khoa đã có những vần thơ rất xúc đông về
mẹ, về cha, về người thầy và những người bạn của mình. Được sáng tác
trong bối cảnh thời chiến, tập thơ còn chứa đựng những tình cảm trong
sáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những người lính cầm súng bảo vệ quê
hương.
Hình ảnh trong thơ Trần Đăng Khoa ngộ nghĩnh, đáng
yêu, cách sử dụng các phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, cách chọn lọc từ
ngữ khiến cho nhiều người lớn phải thán phục. Những bài thơ như Hạt gạo làng ta, Nghe thầy đọc thơ, Đám ma bác giun… đã được nhiều thế hệ trẻ em yêu thích và học thuộc.
Quê nội (1973) - Võ Quảng
|
Lời bài hát “Em là búp măng non, em lớn lên trong
mùa cách mạng” miêu tả rất chính xác hai em bé Cục và Cù Lao, nhân vật
chính trong tiểu thuyết Quê nội của Võ Quảng. Truyện lấy bối
cảnh một miền quê nghèo của miền Trung, làng Hòa Phước, tỉnh Quảng Nam
sau Cách mạng tháng 8. Độc giả sẽ được theo chân hai em bé Cục và Cù Lao
cùng rượt nhau trên những cánh đồng quê, chơi đùa nghịch ngợm, rồi lớn
lên cùng đi theo lý tưởng cách mạng. Câu chuyện trong tiểu thuyết Quê nội sẽ được tiếp tục trong Tảng sáng, một
tiểu thuyết khác của Võ Quảng, cũng vẫn với những nhân vật ấy nhưng là
khi hai người đã trưởng thành hơn, cùng chiến đấu vì đất nước.
Giống như tên gọi của nhân vật, tác phẩm được viết
bằng một giọng văn đơn giản, mộc mạc nhưng không kém phần hấp dẫn.
Những trang văn của Võ Quảng chan chứa tình yêu quê hương đất nước,
những tình cảm cách mạng trong sáng và niềm tin, hy vọng mạnh liệt vào
tương lai tươi đẹp. Nhà phê bình Pháp, Alice Kahn so sánh Quê nội với Tom Sawyer của đại văn hào Mark Twain và cho biết bà thậm chí còn thích tác phẩm của Võ Quảng hơn.
Chuyện hoa chuyện quả (1974) - Phạm Hổ
|
Trẻ con bao giờ cũng tò mò và thích đặt câu hỏi về
thế giới xung quanh: tại sao thế này, tại sao thế khác. Tập sách
“Chuyện hoa, chuyện quả” của nhà văn Phạm Hổ sẽ đưa ra những lời lý giải
về nguồn gốc của mọi loài cây mà các em thường gặp. Mỗi loài cây đều ẩn
trong mình một câu chuyện riêng mà Phạm Hổ, bằng sự nhạy cảm đặc biệt
với thiên nhiên và tình yêu dành cho trẻ nhỏ đã nghe thấy và kể lại.
Tác phẩm được viết theo lối cổ tích hiện đại, ngắn
gọn, súc tích và rất dễ thương. Bằng một giọng văn nhỏ nhẹ, giản dị,
tập sách gồm gần 100 câu chuyện lần lượt giải thích tại sao quả bưởi lại
có con tôm, con tép trong múi, tại sao lại gọi là nhãn lồng, tại sao
lại có hoa huệ, hoa xấu hổ…
Mỗi câu chuyện đều chứa đựng một triết lý nhân
sinh, một thông điệp đạo đức nhẹ nhàng. Tiếp thu tinh hoa từ chuyện cổ
tích Việt Nam, tập truyện của Phạm Hổ ca ngợi lối sống nhân nghĩa thủy
chung, lên án những kẻ bạc tình bạc nghĩa và những thói hư tật xấu của
con người. Tập truyện kích thích trí tưởng tượng của các em nhỏ và nuôi
dưỡng những tình cảm tốt đẹp như tình cảm gia đình, bạn bè, thầy trò,
tình yêu quê hương đất nước…
Búp sen xanh (1980) - Sơn Tùng
|
"Búp sen xanh" là tiểu thuyết lịch sử về thời thơ
ấu và thời trai trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách đã được nhà văn
Sơn Tùng ấp ủ từ năm 1948 và đến năm 1980 mới hoàn thành. Đây là một kỳ
công đối với nhà văn Sơn Tùng nói riêng vì nhà văn là thương binh, luôn
phải gồng mình chống chọi với bệnh tật trong điều kiện còn nhiều khó
khăn.
Cuốn sách mở đầu vào ngày cậu bé Nguyễn Sinh Cung
ra đời và kết thúc ở thời điểm anh thanh niên Nguyễn Tất Thành chuẩn bị
rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước. Xuyên suốt tác phẩm,
hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên chân thật, giản dị và đời
thường. Các em nhỏ khi đọc sách có thể coi cậu bé Nguyễn Sinh Cung là
một người bạn cùng trang lứa với mình đồng thời là một tấm gương để noi
theo học hỏi. Cuốn sách cũng lý giải nguồn gốc hình thành nhân cách và
tư tưởng Hồ Chí Minh khi được sinh trưởng trong một gia đình và quê
hương giàu tinh thần yêu nước. Búp sen xanh luôn được đánh giá như một trong những tác phẩm xuất sắc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất được các bạn nhỏ yêu thích.
Tuổi thơ dữ dội (1988) - Phùng Quán
|
Tuổi thơ dữ dội là câu chuyện về một nhóm
thiếu niên 13-14 tuổi hoạt động cách mạng trong hàng ngũ Đội thiếu niên
trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Tác phẩm xoay quanh ba nhân vật
chính: Mừng, Quỳnh Sơn ca và Lượm. Mừng xuất thân từ một gia đình nghèo
khó, mẹ đau ốm luôn, lúc đầu xin vào đội trinh sát chỉ vì muốn hái thuốc
cho mẹ. Quỳnh Sơn ca sinh ra trong một gia đình tư sản giàu có nhưng
sẵn sàng rời bỏ gia đình cùng căn biệt thự sang trọng và cây dương cầm
em yêu hơn hết thảy để theo cách mạng. Cha của Lượm là một chiến sĩ
trung kiên, đã hy sinh khi bị tù đày ở Côn Đảo. Lượm rất tự hào về cha
mình và luôn muốn học tập noi gương cha.
Tuổi thơ dữ dội đặt trong bối cảnh chiến
tranh vệ quốc ác liệt, gian khổ và hào hùng. Đây thực sự là một bản anh
hùng ca dành cho các em nhỏ, những người đã chiến đấu và ngã xuống vì tổ
quốc, vĩnh viễn trẻ trung ở lứa tuổi 13-14. Sự trong sạch, bất khuất,
kiên cường của các em nhỏ trong truyện khiến người lớn cũng phải xúc
động và cảm phục. Tác phẩm có nhiều nút thắt, chạm đến mọi cung bậc cao
nhất về về cảm xúc: yêu thương, căm giận, tự hào, hả hê, lo sợ… Đây được
coi là một tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi Việt Nam.
Kính vạn hoa (1995 - 2010) - Nguyễn Nhật Ánh
Kính vạn hoa
Kính vạn hoa là bộ truyện dài 54 tập xoay
quanh bộ ba thân thiết Quý ròm, nhỏ Hạnh và Tiểu Long. Ba người bạn,
mỗi người lại có những tính cách khác nhau, với đủ ưu khuyết điểm: Quý
ròm thông minh, tốt bụng nhưng nhát gan, hấp tấp; nhỏ Hạnh giỏi giang,
hiền lành nhưng hậu đậu, vụng vệ; Tiểu Long khù khờ, chậm chạp nhưng
giỏi võ và trượng nghĩa. Mỗi tập là một chuyến phiêu lưu mới dẫn dắt độc
giả vào thế giới học trò trong sáng nghịch ngợm, rực rỡ màu sắc và
nhiều kỷ niệm.
Bộ truyện truyền tải những thông điệp giản dị về
cuộc sống một cách tự nhiên, gần gũi, không lên gân giáo điều mà thường
để độc giả tự rút ra bài học cho chính mình. Giọng văn hóm hỉnh hài hước
và cách xây dựng tình huống truyện bất ngờ đã giúp Kính vạn hoa trở thành sách gối đầu giường của nhiều thế hệ áo trắng tới trường.
Đây là một trong những tác phẩm thành công nhất
của Nguyễn Nhật Ánh, góp phần tạo nên “thương hiệu” của anh. Năm 2003,
bộ truyện được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy
chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Kính vạn hoa
đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình nhiều tập cùng tên, phát
sóng trên Đài truyền hình TP HCM được khán giả yêu thích và đón nhận.
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (2004) - Nguyễn Ngọc Thuần
|
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là những lời
tâm sự của một cậu bé 10 tuổi về thế giới nhỏ bé xung quanh cậu với bố
mẹ, những người hàng xóm và bạn bè thân thương. Câu chuyện chẳng có gì
được gọi là biến cố hay những yếu tố giật gân hồi hộp nhưng vẫn đẹp đẽ
và cuốn hút một cách kỳ lạ. Nguyễn Ngọc Thuần đã trổ một “cửa sổ” giúp
độc giả nhìn thấy chất thơ đặc biệt trong những điều nhỏ bé, bình dị
nhất của cuộc sống.
Những câu văn trong thiên truyện ngắn gọn, giàu
nhạc điệu như giọng thủ thỉ tâm tình. Triết lý của câu chuyện được gửi
gắm nhẹ nhàng ngay từ trong nhan đề: có những thứ không thể thấy được
bằng mắt thường mà phải huy động mọi giác quan, phải cảm nhận bằng cả
trái tim mình mới thấy được. Những bài học, những suy ngẫm về cuộc đời
được đan xen trong tác phẩm một cách tự nhiên, giản dị.
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ từng đoạt giải
A trong cuộc thi Vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi năm 2002 do
NXB Trẻ và Hội nhà văn TP HCM tổ chức. Năm 2008, tác phẩm đoạt thêm giải
thưởng Peter Pan 2008 dành cho văn học thiếu nhi thiếu nhi nước ngoài
tại Thụy Điển. Cuốn sách được mệnh danh là “Hoàng tử bé” của Việt Nam.
No comments:
Post a Comment