Truyện thiếu nhi: Cố bé nghịch ngợm chương 9

10:00 PM |
 CHƯƠNG 9 - ÔNG BỐ BÀ MẸ
Matilda Cô Bé Nghịch Ngợm - Roald Dahl
Tác Giả: Roald Dahl
Thể loại: Dài, Tiểu Thuyết, Thiếu Nhi,
Quốc gia: Anh Mỹ

 
Truyện thiếu nhi: Cố bé nghịch ngợm chương 9
Truyện thiếu nhi: Cố bé nghịch ngợm chương 9

Khi cô Honey ra khỏi văn phòng hiệu trưởng, bọn trẻ đang ở ngoài sân chơi. Cô tới chỗ các giáo viên khác dạy lớp lớn và mượn họ vài cuốn sách giáo khoa, sách toán học, sách tiếng Pháp và sách tiếng Anh. Rồi cô đi tìm Matilda, gọi bé vào. Cô nói:
- Trong lúc cô dạy các bạn bảng cửu chương 2 và dạy đánh vần con mèo, con chuột, thì em không thể ngồi chơi được. Vậy, mỗi lần cô dạy học, thì cô sẽ phát sách giáo khoa để em đọc. Cuối giờ, em sẽ hỏi cô những câu hỏi nếu em có và cô sẽ giúp em. Thấy thế nào?
- Cảm ơn cô Honey. Được ạ.
- Cô tin rằng chúng ta có thể đưa em lên học lớp cao hơn, nhưng lúc này, hiệu trưởng muốn em vẫn ở lại đây.
- Tốt lắm, cô Honey. Cám ơn cô đã đi kiếm sách cho em.
Cô Honey nghĩ: con bé mới dễ thương làm sao. Mình chẳng cần biết cha nó nói về nó như thế nào, mình chỉ thấy nó trầm lặng và lễ phép. Nó không hề ngạo mạn, mặc dù rất thông minh, hình như nó cũng không hề biết điều đó.
Khi cả lớp bắt đầu học, Matilda về bàn bé ngồi và bắt đầu đọc cuốn Hình Học mà cô Honey mới đưa. Cô luôn để mắt tới nó, thấy rằng, chẳng mấy chốc con bé bị hút vào cuốn sách. Suốt giờ học, nó chẳng hề ngước mắt nhìn lên dù chỉ một lần.
Lúc này, cô Honey nảy ra một quyết định khác. Cô quyết định sẽ tới và có cuộc trò chuyện bí mật với bố mẹ Matilda càng sớm càng tốt. Cô không muốn để vấn đề giậm chân tại chỗ. Toàn bộ câu chuyện thật kỳ cục. Cô không tin bố mẹ bé hoàn toàn chẳng biết tới tài năng đặc biệt của con gái họ. Sau cùng, ông Wormwood là người buôn bán xe thành đạt, hẳn ông phải là người lịch sự.
Thông thường, bậc bố mẹ không bao giờ đánh giá thấp khả năng của con cái. Mà hoàn toàn ngược lại. Đôi khi giáo viên khó mà thuyết phục cho ông bố hoặc bà mẹ đầy tự hào đó biết rằng cục cưng của họ chỉ là đứa bé ngốc nghếch. Cô Honey tin rằng chẳng khó khăn gì khi báo cho ông bà Wormwood biết Matilda là cô bé rất đặc biệt. Chỉ còn một vấn đề, ngăn cho họ khỏi vui mừng thái quá.
Hy vọng của cô Honey bắt đầu bay bổng. Cô không biết bố mẹ con bé có cho phép cô làm gia sư riêng cho Matilda sau giờ học hay không. Viễn ảnh được dạy dỗ một đứa bé sáng chói như thế lôi cuốn bản năng người giáo viên trong cô. Thế là cô quyết định sẽ ghé thăm ông bà Wormwood vào ngay tối hôm đó. Cô sẽ đi khá trễ, vào khoảng 9 giờ và 10 giờ, là lúc chắc chắn Matilda đã đi ngủ.
Lấy địa chỉ từ phiếu điểm nhà trường, cô Honey cuốc bộ từ nhà cô đến nhà Wormwood sau 9 giờ tối. Cô tìm thấy ngay ngôi nhà, nằm trên một con đường lịch sự, nhà này cách nhà kia bằng khu vườn nhỏ. Nó là một ngôi nhà gạch hiện đại, giá mua không phải là rẻ, và nơi cổng có viết chữ GÓC NHÀ ẤM CÚNG. Cứ thế, cô bước theo con đường vào nhà, bấm chuông. Trong lúc chờ đợi, cô có thể nghe tiếng ti vi ầm ĩ ở bên trong.
Cánh cửa được mở bởi người đàn ông nhỏ bé loắt choắt, có bộ ria mép giống chuột, mặc chiếc áo vét màu cam sọc đỏ. Ông ta nhìn chăm chú vào mặt cô Honey:
- Vâng? Nếu cô bán vé số gây quỹ thì tôi không mua đâu.
- Không ạ, xin tha thứ vì tôi đã quấy rầy ông như thế này. Tôi là cô giáo của Matilda. Tôi có chuyện quan trọng cần nói với ông và vợ ông.
Ông Wormwood vẫn đứng chắn nơi ngưỡng cửa:
- Nó lại gây ra rắc rối gì rồi phải không? Kể từ nay, nó thuộc về trách nhiệm của cô. Cô phải giải quyết với nó đấy.
- Nó chẳng gây rắc rối gì cả. Tôi đến đây để báo tin vui về nó. Một tin đáng giật mình, ông Wormwood ạ. Theo ông, tôi có thể vào trong và nói chuyện với ông bà vài phút về Matilda được không?
- Chúng tôi đang xem một chương trình ưa thích nhất của chúng tôi. Hoàn toàn bất tiện quá. Lần khác cô quay lại đây nhé?
Cô Honey cảm thấy mất kiên nhẫn:
- Ông Wormwood, nếu ông cho rằng chương trình tivi quan trọng hơn cả con gái ông, thì ông bà đừng nên làm cha làm mẹ nữa. Tại sao ông không tắt nó đi và nghe thử xem tôi nói gì?
Ông Wormwood bị chấn động. Ông không quen bị nói nặng theo kiểu này. Ông ta nhìn người phụ nữ mảnh mai đứng với dáng kiên quyết một hồi lâu, rồi càu nhàu:
- Được rồi, mời cô vào và nói cho xong đi.
Cô Honey nhanh nhẹn bước vào bên trong. Vừa dẫn cô vào phòng khách (nơi có một phụ nữ to béo tóc vàng bạch kim đang mê mẩn dán mắt lên màn hình), ông ta vừa nói:
- Bà Wormwood sẽ không cảm ơn cô về điều này đâu.
- Ai vậy?
Bà ta hỏi mà không quay lại.
- Cô giáo đấy. Cô ta có chuyện cần phải nói với chúng ta về Matilda.
Ông ta lại gần ti vi, vặn nhỏ tiếng, nhưng vẫn để hình ảnh được chiếu. Bà ta la lên:
- Đừng làm vậy, Harry! Willard sắp sửa cầu hôn Angelica rồi!
- Bà vẫn có thể xem được trong lúc chúng ta nói chuyện. Đây là cô giáo của Matilda, cô ta có tin gì đó cần báo với chúng ta.
Cô Honey chào:
- Tôi là Jennifer Honey. Chào bà, bà Wormwood.
Bà Wormwood giương mắt lên nhìn cô:
- Có chuyện gì vậy?
Chẳng ai mở miệng mời cô ngồi, thành ra cô phải chọn chiếc ghế và ngồi xuống. Cô nói:
- Hôm nay là ngày đầu tiên con gái ông bà đi học.
Giọng bà Wormwood cáu kinh vì đang lỡ một đoạn chương trình:
- Chúng tôi biết. Cô tới đây để nói với chúng tôi về điều đó à?
Cô Honey nhìn xoáy vào đôi mắt xám ướt át của bà ta. Cô để cho không gian im lặng tới mức bà Wormwood trở nên khó chịu. Cô hỏi:
- Bà muốn tôi giải thích lý do tôi tới đây không?
- Thì cô giải thích đi.
- Chắc bà biết trẻ em của lớp thấp nhất trường không thể mong đợi là có thể đọc hoặc đánh vần hoặc xử lý những con số trong ngày đâu đi học. Trẻ năm tuổi không thể làm được những điều đó. Nhưng Matilda có thể làm được tất cả điều đó. Tôi tin rằng...
Bà Wormwood nhấm nhẳng ngắt lời:
- Tôi không tin.
- Bé đã nói dối khi nói rằng chẳng ai dạy bé đọc hoặc làm toán nhân, phải không? Có ai trong ông bà dạy bé không?
Bà Wormwood hỏi:
- Dạy nó cái gì?
- Đọc sách. Có lẽ chính bà dạy bé. Có lẽ bé nói dối. Có lẽ ông bà có những chiếc kệ đầy ắp sách trong nhà. Có lẽ hai ông bà là những độc giả tuyệt vời.
Ông Wormwood chen vào:
- Tất nhiên là chúng tôi có đọc. Đừng ngớ ngẩn như thế. Tuần nào tôi cũng đọc mấy tờ bìa của cuốn "Ô Tô và xe máy".
Cô Honey nói:
- Bé đã đọc một số lượng sách rất đáng kinh ngạc. Tôi đang tìm hiểu xem có phải bé được sinh ra từ mái gia đình yêu văn chương hay không.
Bà Wormwood đáp:
- Chúng tôi không ưa chuyện đọc sách. Ngồi đến ê mông để đọc những cuốn sách đó thì có kiếm ra tiền không? Trong nhà tôi chẳng có sách.
Cô Honey nhã nhặn nói:
- Tôi hiểu. Tôi đến chỉ để báo cho ông bà biết bé Matilda có đầu óc thật thông minh. Nhưng tôi mong ông bà đã biết điều đó rồi.
- Tất nhiên chúng tôi biết nó đọc sách được. Suốt ngày nó ru rú trong phòng, tưởng là chết luôn trong mấy cuốn sách vớ vẩn đó.
- Một đứa bé năm tuổi đọc những cuốn tiểu thuyết dày của Dickens và Hemingway không gợi sự tò mò nơi bà ư? Nó chẳng làm cho bà phải nhảy lên vì kích động ư?
Bà mẹ quạu quọ trả lời:
- Không hề. Tôi chẳng ưa gì bọn nữ văn sĩ. Một đứa con gái nên trau chuốt dung nhan để sau này lấy được tấm chồng tốt. Nhan sắc quan trọng hơn chữ nghĩa, cô Hunky à.
- Thưa, tôi là Honey.
Bà Wormwood vẫn tiếp tục:
- Cô hãy nhìn tôi. Rồi nhìn cô. Cô chọn sách vở. Tôi chọn nhan sắc.
Cô Honey ngắm kỹ người đàn bà tròn quay và thô ráp với khuôn mặt tròn vo tự mãn. Cô máy móc hỏi lại:
- Sao ạ?
- Tôi nói cô chọn sách, còn tôi chọn nhan sắc. Vậy ai có cuộc sống phong lưu hơn? Tất nhiên là tôi. Tôi đang ngồi trong ngôi nhà đẹp cùng một doanh nhân thành đạt, còn cô phải đầu tắt mặt tối dạy ABC cho một đám trẻ con đáng ghét.
- Mình nói đúng đấy.
Ông Wormwood vừa khen vợ vừa liếc cặp mắt điệu đàng ướt át nhìn bà ta. Cái nhìn đó trúng vào con mèo, chắc nó ngã lăn ra chết.
Cô Honey quyết định sẽ không nổi nóng với những người này, nên cô vẫn mềm mỏng nói tiếp:
- Tôi chưa kể hết cho ông bà nghe. Matilda còn là một thần đồng về toán học. Bé có thể nhân nhẩm những con số phức tạp nhanh như chớp.
Ông Wormwood kêu lên:
- Nếu như cô có tiền mua máy tính thì điều đó chẳng quan trọng gì cả.
Bà Wormwood đế thêm:
- Một đứa con gái không thể kiếm chồng bằng trí tuệ được. Lấy ngôi sao truyền hình kia làm ví dụ.
Bà ta chỉ tay và diễn viên nữ hở hang đang ôm chầm lấy diễn viên nam xương xẩu dưới ánh trăng.
- Cô ta cua được anh ta đâu phải bằng những bài toán nhân? Làm gì có? Bây giờ anh ta sắp cầu hôn cô ta, và cô ta sắp vào sống trong một toà nhà với người quản gia và nhiều tớ gái.
Cô Honey không thể tin vào những gì mà đôi tai vừa nghe. Cô đã biết loại bố mẹ này tồn tại ở khắp mọi nơi, và con cái họ thường bỏ học dở dang để trở thành tội phạm. Nhưng cô vẫn bị sốc khi gặp một đôi như thế bằng xương bằng thịt. Cô cố gắng lần cuối:
- Vấn đề của Matilda là, cho tới nay, trí óc của bé vượt hẳn bọn trẻ xung quanh, vì thế, chúng ta có thể nghĩ tới việc mời gia sư. Tôi tin với sự dạy dỗ thích hợp, trong vòng vài năm nữa, Matilda có đủ tiêu chuẩn vào đại học.
- Đại học?
Ông Wormwood nhảy nhổm trên ghế, kêu to.
- Ai mà muốn vào đại học chứ? Vào đó chỉ học toàn thói xấu thôi.
Cô Honey phản đối:
- Không đúng. Nếu ông bị cơn đau tim, ông phải gọi bác sĩ. Người bác sĩ đó tốt nghiệp đại học đấy. Nếu ông bị kiện vì bán xe hơi dỏm cho nguời khác, ông phải mời luật sư. Vị Luật sư đó cũng tốt nghiệp Đại học đấy. Đừng coi khinh những người thông minh, thưa ông Wormwood. Nhưng tôi thấy ngay là ông không đồng ý. Tôi xin lỗi đã đường đột vào nhà ông bà như thế này.
Cô Honey đứng lên, bước ra khỏi phòng. Ông Wormwood đi theo cô ra tận cửa ngoài và nói:
- Cô đến thăm thật quý, cô Hawkes? Hoặc cô Harris?
- Chẳng tên nào đúng cả, nhưng thôi, cho nó qua đi.
(
Read more…

Truyện thiếu nhi Cô gái xéo lên bánh mì

11:27 PM |

Hẳn là bạn đã nghe nói về một cô gái đã xéo lên ổ bánh mì để khỏi phải bẩn giầy và về sau cô ta khốn khổ như thế nào. Câu chuyện được viết lại và cũng đã được in.
Cô ta là một đứa trẻ nghèo, mà lại tự cao, tự đại. Cô ta thật xấu tính, xấu nết. Khi còn nhỏ cô ta thích bắt ruồi rồi vặt cánh, để bắt chúng phải bò lê bò càng. Cô ta nhặt một con bọ cam và một con bọ dừa, dính mỗi con lên chiếc đinh ghim, rồi đặt một chiếc lá xanh, hoặc một mảnh giấy nhỏ lên sát chân chúng. Những sinh vật tội nghiệp bám chặt vào đó, xoay xở vặn vẹo, cố thoát ra khỏi chiếc đinh ghim.
Truyện thiếu nhi Cô gái xéo lên bánh mì
Truyện thiếu nhi Cô gái xéo lên bánh mì

Kìa, bọ cánh cam đang đọc – con bé Inger nói – hãy xem nó lật trang thế nào?
Lớn lên, cô lại càng xấu tính hơn, nhưng cô ta lại rất xinh, điều đó thật ta i họa, nếu không, cô đã bị ăn tát nhiều hơn rồi đấy.
-mày thật vô phương cứu chữa rồi – Mẹ cô gái bảo – Khi còn bé, mày thường xéo lên tạp dề của tao, bây giờ mày lớn hơn, tao e rằng một ngày kia mày sẽ xéo lên tim tao.
Và chắc chắn là cô ta làm thế.
Hiện nay, cô ta đi giúp việc cho một gia đình khá giả sống ở nông thôn. Họ đối xử với cô như thể con cái trong nhà và cho cô ăn mặc như con cái họ. Cô trông rất ưa nhìn, và cô càng vênh váo hơn.
Sau khi cô ở với họ được một năm, bà chủ bảo cô:
-Này Inger, đã đến lúc cháu về thăm cha mẹ.
Thế là cô đi, dù đó chỉ là để khoe mẽ và để bố mẹ thấy cô trở nên xinh đẹp như thế nào. Nhưng khi cô tới ngoại ô thành phố, thấy mấy cô gái với mấy chàng trai đang ngồi tán gẫu với nhau bên hồ, và mẹ cô cũng ở đó, đang ngồi nghỉ trên phiến đá với một bó củi đã lượm trong rừng, cô cảm thấy xấu hổ vì ăn mặc đẹp nhường này, mà phải có một người mẹ rách rưới đi kiếm từng que củi. Cô liền quay về nhà chủ không luyến tiếc, mà chỉ bực mình.
Rồi sáu tháng lại trôi qua.
-Cháu nhất định phải về nhà một ngày để thăm cha mẹ già, Inger ạ.- Bà chủ bảo.- Đây là ổ bánh mì trắng to, cháu có thể cầm theo. Cha mẹ cháu rất mừng vì được gặp con đấy.
Thế là Inger mặc bộ váy đẹp nhất, đi đôi giầy mới. Cô nâng váy và nhìn cẩn thận những chỗ đang bước, chỉ để giữ cho giày đẹp và sạch, tất nhiên cô làm thế không có gì đáng trách. Nhưng khi cô tới chỗ con đường dẫn qua đầm lầy, có một vũng nước nhỏ dài, đầy bùn, cô ném ổ bánh mì xuống và dẫm lên ổ bánh để đi qua không bị ướt giày. Trong khi cô đứng một chân lên ổ bánh và nhấc chân kia lên, ổ bánh đã chìm xuống cùng với cô mỗi lúc một sâu hơn, và cô biến mất tăm, người ta chẳng thấy gì ngoài một đầm lầy sủi bọt đen sì.
Câu chuyện là thế.
Điều gì đã xảy ra với cô? Cô tụt xuống chỗ bà chúa đầm lầy ở – người đang ủ rượu bia . Bà chúa đầm lầy là dì của các tiên cô, họ biết nhau rất rõ. Có nhiều khúc ca viết về họ, nhiểu tranh vẽ về họ. Nhưng tất cả những con người đó đều biết bà chúa đầm lầy. Khi những đầm cỏ bốc hơi về mùa hè, đó là khi ch úa đầm lầy đang ủ rượu bia.
Inger tụt xuống đúng hầm ủ rượu của bà chúa đầm lầy và đó chẳng là nơi người ta có thể chịu được lâu. Một hố phân cũng là một căn nhà nguy nga rực rỡ nếu đem so với hầm ủ rượu của chúa đầm. Mỗi ngăn đều hôi thối khiến người ta ngất xỉu, ngoài ra, những ngăn này đều áp chặt với nhau và chỗ nào có m ột tí khe hở cũng có thể ép bật người ta ra ngoài, chả ai có thể làm được như thế, bởi vì những con có gầy gò và những con rắn béo phệ cuốn lấy nhau ở đây. Đấy là nơi Inger chìm xuống. Tất cả đống hổ lốn sống động ghê tởm đó bốc hơi lạnh giá, khiến cho cô rùng mình ớn lạnh đến tận mỗi ngón chân tay – càng lúc càng thấy cứng ngắc và tê dại. Ổ bánh vẫn dính chặt vào chân cô và kéo lê cô đi, như một chiêcd khuy màu hổ phách lôi một sợi rơm vậy .
Read more…

Truyện thiếu nhi Cô Bé Nghịch Ngợm - Chương 8

11:07 PM |

Chương 8 - Cô Trunchbull

Matilda Cô Bé Nghịch Ngợm - Roald Dahl
Tác Giả: Roald Dahl
Thể loại: Dài, Tiểu Thuyết, Thiếu Nhi,
Quốc gia: Anh Mỹ
Truyện thiếu nhi Cô bé nghịch ngợm - Chương 05
 
Trong giờ ra chơi, cô Honey rời khỏi lớp học và đi thẳng tới văn phòng hiệu trưởng. Cô bị xúc động mãnh liệt. Cô vừa gặp một bé gái có trí thông minh khác thường. Tuy không đủ thì giờ để tìm hiểu xem mức độ chính xác của sự thông minh, nhưng cô Honey cảm thấy đủ để phải làm một điều gì đó càng sớm càng tốt. Thật kỳ cục nếu cứ để một đứa bé như thế ngồi học ở lớp thấp nhất trường.
Bình thường, cô Honey rất sợ hiệu trưởng và tránh xa cô ta, nhưng lúc này, cô Honey sẵn sàng gặp gỡ bất cứ ai. Cô gõ nhẹ vào cánh cửa của cái văn phòng kinh khủng đó. "Vào đi!" giọng nói nguy hiểm và trầm trầm của cô Trunchbull vang ra. Cô Honey bước vào.
Phần lớn những người được chọn làm hiệu trưởng vì họ có nhiều phẩm chất tốt. Họ hiểu biết trẻ em và quan tâm đến chúng. Họ dễ thông cảm. Họ công bằng và quan tâm đến giáo dục. Nhưng cô Trunchbull hoàn toàn không hề có những phẩm chất này. Làm thế nào cô nhận được vị trí hiện nay? Đó còn là điều bí ẩn.
Điều nhận ra trước tiên, cô ta là một phụ nữ khủng khiếp. Đã từng là vận động viên nổi tiếng, nên bây giờ, những bắp thịt cuồn cuộn của cô ta vẫn còn thấy rõ. Những cơ bắp nơi cổ, nơi tấm vai rộng, nơi cánh tay chắc nịch, nơi cổ tay gân guốc và nơi cặp chân đầy sức mạnh. Nhìn cô ta, bạn có cảm giác người này có thể uốn cong được các thanh sắt và xé cuốn niên giám điện thoại ra làm đôi thật dễ dàng. Khuôn mặt của cô ta không hề có cái gọi là nhan sắc và niềm vui. Cô ta chỉ có cái cằm bướng bỉnh, cái miệng hung ác và đôi mắt nhỏ kiêu ngạo. Về quần áo... không phải là quá lời, chúng hoàn toàn cổ quái. Lúc nào cô ta cũng mặc một cái áo khoác vải màu nâu, bó sát lấy người bằng sợi dây nịt da rộng bản với khoá bạc khổng lồ. Cặp đùi đồ sộ thò ra dưới cái áo khoác được bọc chặt trong chiếc quần ống túm, dệt bằng sợi thô, màu xanh ve chai. Lai quần dài chấm dưới đầu gối thôi, phần còn lại là đôi vớ dài màu xanh lá cây, để phô bày hai bắp chân nở nang thật hoàn hảo. Cuối cùng là đôi giày to đế thấp màu nâu. Nói tóm lại, cô ta giống kẻ tàn bạo chạy theo sau bầy chó săn hơn là hiệu trưởng của một trường tiểu học.
Khi cô Honey bước vào văn phòng, cô Trunchbull đang đứng bên cạnh chiếc bàn to lớn với nét mặt cau có:
- Vâng, cô Honey, cô muốn gì? Sáng nay cô có vẻ bối rối lắm. Có chuyện gì vậy? Bọn nhóc phun nước bọt vào cô ư?
- Thưa hiệu trưởng, không phải như thế.
- Vậy thì là cái gì? Nói ra đi. Tôi bận lắm.
Vừa nói, cô Trunchbull vừa với tay lấy bình nước (luôn luôn có ở trên bàn) và rót ra ly.
- Trong lớp tôi, có một cô bé tên là Matilda Wormwood...
- Đó là con gái của tay chủ garage xe hơi trong làng.
Cô Trunchbull quát lên. Cô ta không thể nói giọng bình thường được: hoặc là quát, hoặc là hét.
- Một tay khá đấy. Hôm qua tôi đã tới đó. Y bán cho tôi chiếc xe hầu như còn mới nguyên, chỉ chạy khoảng mười ngàn dặm thôi. Chủ của chiếc xe này là một bà già, lái xe đi chợ một vài lần trong năm là cao tay. Món hời đấy chứ. Phải, tôi thích ông Wormwood. Một con người đáng kính trọng trong xã hội này. Y bảo con gái y rất dở, cần phải canh chừng nó đấy. Y còn nói, nếu trong trường có xảy ra điều gì tồi tệ, thì chắc chắn con gái y đã gây ra. Tôi chưa gặp con bé, nhưng khi tôi tới gặp thì nó sẽ biết tay tôi. Theo lời y, con bé là ung nhọt thật sự.
Cô Honey kêu lên:
- Ồ, thưa hiệu trưởng, điều đó không đúng!
- Cô Honey, đơn giản là nó đúng đấy. Bây giờ tôi mới nghiệm ra, chắc chính nó đã đặt quả bom thối dưới bàn tôi vào sáng nay. Khắp văn phòng bốc mùi cống rãnh! Chính là nó rồi! Tôi sẽ tới gặp nó về điều đó! Nó như thế nào? Một con sâu quậy phá chứ gì? Cô Honey này, suốt sự nghiệp dạy học của tôi, tôi khám phá ra rằng, con gái hư nguy hiểm hơn cả con trai hư. Còn gì nữa? Rất khó đưa chúng vào khuôn phép. Chộp chúng hệt như chộp lũ ruồi xanh. Mới thò tay ra là chúng đã bay mất. Bọn con gái là giống dơ bẩn, nghịch ngợm. Mừng là tôi chẳng có đứa nào.
- Thưa hiệu trưởng, nhưng hẳn là cô đã từng có một đứa con gái chứ. Chắc là thế.
Cô Trunchbull nghiến răng:
- CHuyện lâu quá rồi. Tôi trở thành đàn bà rất nhanh.
Cô ta hoàn toàn điên rồi, cô Honey nghĩ bụng như thế. Nổi khùng lên giống hệt một con rệp. Cô Honey đứng kiên quyết trước mặt hiệu trưởng. Cô nhất định không để bị bắt nạt, dù chỉ một lần. Cô nói:
- Thưa hiệu trưởng, cô hoàn toàn sai lầm khi cho rằng Matilda đặt bom thối dưới bàn cô.
- Tôi không bao giờ sai lầm.
- Nhưng thưa hiệu trưởng, đứa bé chỉ mới đến trường sáng nay, và đi thẳng vào lớp học.
- Vì Chúa, đừng cãi lời tôi! Chính con bé Matilda này đã đặt bom thối trong văn phòng tôi! Không nghi ngờ gì cả. Cám ơn cô đã gợi ý.
- Nhưng tôi chẳng gợi ý gì cả, thưa hiệu trưởng.
- Cô đã gợi ý đấy. Bây giờ cô muốn gì nữa? Sao cô làm mất thì giờ của tôi?
- Thưa hiệu trưởng, tôi đến để nói về Matilda. Tôi có một chuyện khác thường về đứa bé này. Cho phép tôi được kể về những gỉ xảy ra trong lớp?
Cô Trunchbull khịt mũi:
- Tôi cho rằng nó đã đốt cháy cái váy của cô.
Cô Honey kêu lên:
- Không! Matilda là một thiên tài.
Nghe được những từ này, mặt cô Trunchbull chuyển sang màu tím, và thân người cô phồng to ra như con ếch. Cô ta hét to:
- Thiên tài? Cô đang nói chuyện nhảm nhí gì thế? Cô điên rồi! Chính miệng cha nó nói với tôi rằng nó là đứa bé ngu ngốc.
- Cha nó sai rồi, thưa hiệu trưởng.
- Đừng ngốc nghếch thế chứ, cô Honey. Cô chỉ mới gặp nó nửa tiếng đồng hồ, còn cha nó biết quá rõ cuộc đời nó!
Nhưng cô Honey vẫn kiên quyết xin được nói. Cô kể lại những điều lạ lùng mà Matilda đã làm trong giờ toán học. Cô Trunchbull quát:
- Nó đã thuộc lòng vài bảng cửu chương chứ gì? Trời ơi, điều đó đâu biến nó thành thiên tài, chỉ biến nó thành con vẹt mà thôi!
- Nhưng thưa hiệu trưởng, nó còn có thể đọc được.
Cô Trunchbull búng tay:
- Tôi cũng vậy.
- Theo ý tôi, nên đưa Matilda ra khỏi lớp tôi, cho nó vào lớp cao nhất với những đứa trẻ mười một tuổi.
Cô Trunchbull khịt mũi:
- Ha! Cô muốn gạt nó ra khỏi lớp cô chứ gì? Cô không thể kiểm soát nó được, phải không? Cô muốn trút nó cho cô Plimson bất hạnh để cô ta chịu đựng các trò quậy phá của nó đấy mà.
- Không đâu! Không phải vì lý do đó!
Giọng cô Trunchbull to hơn:
- Phải đấy. Tôi có thể đọc rõ ý đồ của cô. Câu trả lời của tôi là: không! Matilda phải ở lại chỗ của nó, và tuỳ nơi cô sửa chữa để nó cư xử cho phải phép.
- Thưa hiệu trưởng, làm ơn...
- Không nói thêm lời nào cả! Tôi chính là người điều hành ngôi trường này. Bọn trẻ phải vào nhóm đúng tuổi của nó mặc kệ nó có khả năng ra sao. Tôi không thể cho đồ ăn cướp năm tuổi ngồi chung với lũ trẻ lớn ở lớp cao nhất được. Ai mà nghe lọt tai điều như thế!
Cô Honey đứng bất lực trước gã khổng lồ đang bạnh cái cổ đỏ rần. Có nhiều điều cô muốn được nói, nhưng cô biết chỉ là vô ích. Giọng cô dịu dàng:
- Vậy thì tất cả tuỳ cô, thưa hiệu trưởng.
Cô Trunchbull rống lên:
- Tôi biết thế là đúng đấy. Đừng quên rằng chúng ta đang nói về con rắn độc nhỏ, kẻ đã đặt quả bom thối dưới bàn của tôi.
- Nó không làm điều đó, thưa hiệu trưởng.
Cô Trunchbull quát:
- Chính nó đã làm. Và tôi cho cô biết, ước gì tôi được phép dùng roi mây và dây nịt như tôi đã từng làm thời xưa! Tôi sẽ quay chín phần mông Matilda để nó khỏi phải ngồi trong vòng một tháng.
Cô Honey quay người bước ra khỏi văn phòng, tuyệt vọng, nhưng không có nghĩa là bại trận. Cô tự nhủ, mình sẽ làm điều gì đó cho đứa bé này. Mình không biết điều đó là điều gì, nhưng cuối cùng, mình sẽ tìm ra...
Read more…

Matilda - Cô Bé Nghịch Ngợm chương 7

11:02 PM |

Chương 7 - Cô Honey

Matilda Cô Bé Nghịch Ngợm - Roald Dahl
Tác Giả: Roald Dahl
Thể loại: Dài, Tiểu Thuyết, Thiếu Nhi,
Quốc gia: Anh Mỹ
Truyện thiếu nhi Cô bé nghịch ngợm - Chương 05
 
Matilda bắt đầu đi học hơi trễ. Phần lớn, trẻ em vào trường tiểu học lúc năm tuổi (thậm chí còn sớm hơn chút xíu), nhưng bố mẹ Matilda chẳng hề quan tâm tới việc học của con gái, đã quên thu xếp mọi việc trước. Bởi thế, lần đầu tiên bé đến trường khi được năm tuổi rưỡi.
Ngôi trường làng dành cho trẻ em là một toà nhà ảm đạm xây bằng gạch, có tên trường Tiểu Học Cruchem. Sĩ số của trường khoảng hai trăm năm mươi em, tuổi từ năm tới dưới mười hai. Hiệu trưởng (tức người chủ trường) là một phụ nữ trung niên rất hung dữ được gọi là cô Trunchbull.
Matilda vào một lớp chỉ có mười tám đứa nhỏ vừa trai vừa gái bằng tuổi với bé. Cô giáo của lớp tên là cô Honey, và cô không thể nào nhiều hơn hai ba hoặc hai bốn tuổi được. Khuôn mặt nữ thánh xinh xắn của cô hơi nhợt nhạt với đôi mắt xanh và mái tóc màu nâu sáng. Thân hình cô mảnh mai tới nỗi người ta phải có cảm giác rằng, nếu bị ngã, cô sẽ bị vỡ tan thành ngàn mảnh như một bức tượng sứ.
Cô Jenifer Honey là một nhân vật điềm đạm cực kỳ. Chưa khi nào cô lên giọng với ai, và rất hiếm hoi cười, nhưng không hề nghi ngờ rằng, những em nào được cô dạy dỗ đều hết sức quý mến cô. Dường như cô thấu hiểu mọi bối rối và sợ hãi trong lần đến trường đầu tiên của các em. Khuôn mặt cô ánh lên vẻ ấm áp khi cô trò chuyện với đứa bé mới vào lớn học vẫn còn bỡ ngỡ và nhớ nhà.
Còn cô Trunchbull, hiệu trưởng, lại khác. Cô là người khổng lồ đáng sợ, một quái vật hung dữ, một kẻ làm cho không chỉ học trò mà cả giáo viên cũng khiếp sợ. Dẫu cô đứng từ phía xa, vẫn có vẻ gì đe doạ. Có khi cô lại gần, các bạn có thể cảm thấy sự toả nhiệt đầy nguy hiểm như bạn đang đứng cạnh một thanh kim loại nung đỏ. Lúc bước đi (cô Trunchbull không hề đi như chúng ta, cô sải dài chân như người lính đang đều bước), lúc cô bước đi dọc theo hành lang, bạn có thể nghe được tiếng khịt mũi của cô. Gặp nhóm trẻ nào đứng trước mặt, cô cứ lao bừa vào chúng như chiếc xe tăng, khiến bọn trẻ nhảy dạt qua trái hoặc qua phải để tránh né. Cám ơn chúa, loại người như cô không có nhiều trên đời này, mặc dù họ vẫn tồn tại, và chúng ta đều tình cờ gặp phải họ ít ra cũng một lần trong đời.
Chúng ta hãy tạm rời bỏ cô Trunchbull để quay về với Matilda và ngày đầu tiên bé học trong lớp cô Honey.
Sau công việc thường làm là điểm danh các em, cô Honey phát cho mỗi em một cuốn sách bài tập mới tinh khôi. Cô nói:
- Cô hy vọng các em đều mang theo bút chì của mình.
- Có ạ, thưa cô Honey.
Cả lớp hát lên.
- Tốt lắm. Hôm này là ngày học đầu tiên của các em, và cũng là ngày đầu tiên trong suốt quá trình mười hai năm học mà các em sẽ phải trải qua. Trong mười hai năm đó, các em sẽ học sáu năm đầu tiên tại trường Crunchem, mà vị hiệu trưởng là cô Trunchbull. Vì lợi ích của các em, cô sẽ nói vài điều về cô Trunchbull. Cô ấy đã ra một kỷ luật nghiêm khắc trong trường, và các em phải cố gắng cư xử thật tốt khi có mặt cô ấy. Không được cãi lại cô ấy. Hãy làm những gì cô ấy bảo. Nếu em không được cô ấy thích, em sẽ tả tơi như củ cà rốt bị đưa vào máy xay trong bếp. Không có gì để cười đâu, Lavender, đừng nhe răng ra như thế. Tất cả các em sẽ khôn ngoan mà nhớ rằng, cô Trunchbull giải quyết rất khắc nghiệt với những em nào bất tuân kỷ luật. Các em hiểu hết chứ?
- Hiểu ạ, thưa cô Honey.
Mười tám giọng nói ríu rít cùng vang lên.
- Bản thân cô muốn giúp đỡ các em học hành càng nhiều càng tốt ngay tại lớp này. Vì cô biết, về sau, mọi việc sẽ dễ dàng hơn đối với các em. Cô ví dụ, vào cuối tuần này, cô mong các em sẽ học thuộc lòng bảng cửu chương hai, và cuối năm học, cô mong chúng ta thuộc lòng bảng cửu chương thứ mười hai. Nào, trong số các em, ai thuộc bảng cửu chương hai rồi?
Matilda là đứa trẻ duy nhất giơ tay lên. Cô Honey nhìn kỹ vào đứa trẻ nhỏ xíu có mái tóc đen và khuôn mặt nghiêm nghị ngồi bàn nhì. Cô nói:
- Tuyệt lắm, em đứng lên và đọc những gì em nhớ.
Matilda đứng lên, đọc bảng cửu chương hai. Đọc tới 2 lần 12 là 24, bé không chịu dừng lại mà đọc tiếp tới 2 lần 13 là 26, 2 lần 14 là 28, 2 lần 15 là 30, 2 lần 16 là...
- Dừng lại!
Cô Honey bảo thế. Cô đã lắng nghe thật say sưa giọng đọc trôi chảy của bé, và hỏi bé:
- Em có thể đọc được tới đâu?
- Tới đâu hả cô? Em không biết, thưa cô, nhưng chắc chắn đọc được tới rất xa.
Cô Honey im lặng một lát rồi hỏi tiếp:
- Tức là em có thể biết 2 lần 28 là mấy?
- Biết ạ, thưa cô Honey.
- Là mấy?
- Là 56, thưa cô Honey.
- Thế, một số khó hơn nhé? 2 lần 487? Em biết chứ?
- Em nghĩ là biết ạ.
- Em chắc không?
- Chắc, thưa cô Honey.
- Vậy, 2 lần 487 là mấy?
- Là 974 ạ.
Matilda trả lời ngay. Giọng bé nhỏ nhẹ và lễ phép, không hề có chút dấu hiệu khoe khoang nào.
Cô Honey nhìn bé kinh ngạc, nhưng cô vẫn giữ giọng nói êm dịu bình thường:
- Thật là xuất sắc, nhưng tất nhiên là bảng cửu chương hai thì dễ hơn nhiều so với những con số lớn. Vậy em có biết các bảng cửu chương khác không?
- Em nghĩ là em biết, thưa cô Honey.
- Bảng nào, Matilda? Em biết tới đâu?
- Em... em không hiểu cô muốn hỏi gì ạ.
- Ý cô là, em biết bảng cửu chương 3 chứ?
- Biết ạ, thưa cô Honey.
- Còn cửu chương 4?
- Biết ạ, thưa cô Honey.
- Em biết bao nhiêu bảng cửu chương? Em biết tới bảng cửu chương thứ 12 chứ?
- Biết ạ, thưa cô Honey.
- 12 lần 7 là mấy?
- Là 84 ạ.
Cô Honey ngồi dựa lưng vào ghế. Cô thật sự xúc động bởi cuộc trò chuyện này, nhưng cô cố gắng không để cảm xúc bộc lộ ra ngoài. Cô chưa từng gặp một đứa bé năm tuổi (thậm chí mười tuổi) có thể nhân nhẩm trôi chảy như thế. Cô nói với cả lớp:
- Cô hy vọng các em đều nghe rõ. Matilda là một cô bé may mắn, có được ông bố bà mẹ tuyệt vời dạy em tính nhân với nhiều con số. Có phải mẹ em dạy em không, Matilda?
- Không phải ạ, thưa cô Honey.
- Vậy hẳn bố em dạy em rồi. Hẳn bố em là một thầy giáo tuyệt vời.
Giọng Matilda nhỏ đi:
- Ba em không dạy em điều gì cả, thưa cô Honey.
- Nghĩ là em tự học lấy?
- Em không biết ạ. Em thấy chẳng có gì khó khăn khi nhân một số này với một số kia.
Cô Honey hít một hơi dài rồi chầm chậm thở ra. Cô ngắm kỹ lần nữa đứa bé có đôi mắt sáng đứng nơi bàn trông thật nghiêm trang. Cô hỏi lại:
- Em nói, chẳng có gì khó khăn khi nhân một số này với một số kia. Em giải thích thêm được không?
- Em không chắc ạ.
Cả lớp im lặng chờ đợi. Cô Honey nói:
- Thí dụ nhé, nếu cô yêu cần em nhân 14 với 19... Không, khó quá đấy...
- Là 266 ạ.
Matilda dịu dàng tả lời. Cô Honey nhìn bé chăm chú. Rồi cô cầm cây viết chì và làm bài toán đó trên một tờ giấy. Cô ngước lên:
- Em nói đáp số là bao nhiêu?
266 ạ.
Cô Honey đặt bút chì xuống, gỡ cặp kính ra và chìu bằng miếng khăn giấy. Cả lớp im lặng, quan sát cô xem chuyện gì sắp xảy ra. Còn Matilda vẫn đứng im bên cạnh bàn.
Cô Honey vừa nói vừa chùi kính:
- Matilda, cho cô biết, cái gì chuyển động trong đầu em khi em làm một bài toán nhân như thế? Rõ ràng là em phải tính toán, nhưng dường như em tìm ra đáp số quá nhanh. Chẳng hạn như đáp số của 14 nhân với 19 vậy.
- Em... em... em chỉ đặt số 14 trong đầu và nhân với 19 thôi ạ. Em e là không biết phải giải thích như thế nào. Em luôn tự nghĩ, nếu cái máy tính bỏ túi làm được, sao mình không làm được?
- Sao lại không được? Trí óc con người là một điều rất đáng ngạc nhiên.
- Em nghĩ là nó còn giỏi hơn cái máy tính nữa ạ.
- Em nói đúng. Dù sao, trường chúng ta không cho phép học sinh dùng máy tính đâu.
Cô Honey cảm thấy toàn thân run rẩy. Không nghi ngờ rằng cô đã gặp một bộ óc toán học phi thường, những từ ngữ như "thần đồng" hoặc "năng khiếu lạ thường" lướt qua đầu cô. Cô biết những loại người kỳ diệu như thế này thỉnh thoảng xuất hiện trên thế giới, nhưng chỉ có chừng vài ba người trong một trăm năm mà thôi. Suy cho cùng, Mozart bắt đầu sáng tác nhạc cho đàn piano lúc mới lên năm và hãy xem những gì xảy ra cho ông ấy.
Bé Lavender lên tiếng:
- Không công bằng ạ. Sao nó làm được mà chúng em không làm được?
Cô Honey an ủi:
- Đừng lo, Lavender, các em sẽ bắt kịp bạn ấy.
Vào lúc này, cô Honey không thể cưỡng lại cái ý muốn khám phá thêm cái trí tuệ đáng kinh ngạc của đứa bé. Cô biết rằng mình nên chú ý tới những đứa trẻ khác trong lớp, nhưng cô quá xúc động để dẹp vấn đề đó qua một bên. Cô giả vờ như nói chung cho cả lớp nghe:
- Phần toán học thế là đủ, bây giờ để xem có em nào đã biết đánh vần nhé. Ai đánh vần được từ "mèo" thì giơ tay lên.
Có ba bàn tay giơ lên, đó là tay của Lavender, một bé trai tên Nigel và Matilda.
- Đánh vần từ "mèo" đi Nigel.
Nigel đánh vần được.
Cô Honey quyết định hỏi một câu mà chỉ có trong mơ người ta mới hỏi lớp học vào ngày đầu tiên. Cô hỏi:
- Cô muốn biết trong ba em đã biết đánh vần, em nào biết đọc cả một nhóm chữ dài để chúng kết thành một câu?
- Em biết.
Bé Nigel nói.
- Em cũng biết vậy.
Bé Lavender nói.
Cô Honey lên bảng, cầm phấn trắng, viết thành câu: "Tôi đã bắt đầu học cách đọc những câu dài". Cô cố ý viết câu khó, vì cô biết rằng chỉ có rất ít trẻ năm tuổi có thể đọc được câu này. Cô hỏi:
- Nigel, em có thể đọc câu này không?
- Khó quá, thưa cô Honey.
- Còn em Lavender?
- Từ đầu tiên là "Tôi" ạ.
- Có ai trong các em đọc được nguyên cả câu?
Cô Honey cất tiếng hỏi và cô mong nhận được từ "Có" nơi Matilda.
- Có ạ.
Matilda đáp.
- Đọc đi.
Matilda đọc nguyên cả câu, chẳng ngập ngừng chút nào.
- Giỏi lắm, Matilda. Em có thể đọc được bao nhiêu từ?
- Em nghĩ, là em có thể đọc tất cả, thưa cô Honey. Nhưng em e là em thường không hiểu ý nghĩa của chúng.
Cô Honey lướt nhanh ra khỏi phòng, và ba mươi giây sau, cô quay vào với cuốn sách dày cầm nơi tay. Cô mở đại một trang, đặt nó xuống bàn của Matilda, nói:
- Đây là cuốn thơ hài hước. Em có thể đọc to nó lên được không?
Không ngập ngừng, với tốc độ vừa phải, Matilda bắt đầu đọc:
- "Khách ăn trong hiệu giật mình,
Một con chuột lớn được ninh (trong) nồi hầm.
Gọi bồi, khách nói thì thầm:
"Xin đừng la lớn, cứ cầm lên xem.
Rồi đem treo nó cao lên,
Biết đâu cũng có người thèm, đòi ăn."
Một số trẻ hiểu được khía cạnh hài hước của bài thơ bèn cười lên. Cô hỏi Matilda:
- Em có biết bài thơ này được viết theo thể gì không?
- Theo thể lục bát ạ. Đây là bài thơ rất hay và rất hài hước.
- Một bài thơ rất nổi tiếng.
Cô Honey cầm cuốn sách lên, quay về bàn giáo viên, đặt trước mặt các học sinh, nói thêm:
- Thơ lục bát dí dỏm khó viết lắm. Nhìn thì thấy dễ, nhưng hầu như chẳng dễ chút nào.
Matilda đáp:
- Em biết ạ. Em đã cố làm vài lần, nhưng chẳng lần nào hay cả.
- Em đã cố làm à?
Cô Honey giật mình.
- Matilda này, cô rất muốn nghe em đọc một trong những bài thơ mà em đã làm. Em cố nhớ và đọc cho cả lớp nghe nhé.
Matilda lưỡng lự:
- Thật ra em đang cố nghĩ ra một bài viết về cô trong lúc chúng ta đang ngồi đây.
Cô Honey kêu lên:
- Viết về cô? Chà, chúng ta cần phải nghe bài thơ đó mới được, phải không các em?
- Nhưng em lại không muốn đọc ra, thưa cô Honey.
- Em hãy đọc đi, cô hứa cô không phiền đâu.
- Em nghĩ là cô phiền, thưa cô Honey, vì em phải dùng tên cô để làm thành bài thơ có vần. Vì thế, em không muốn đọc nó ra.
Cô Honey hỏi:
- Sao em biết tên cô?
- Trước khi vào lớp, em có nghe một giáo viên gọi cô là Jenny.
Cô Honey nở nụ cười:
- Cô nài nỉ được nghe bài thơ đó. Em hãy đứng lên và đọc đi.
Matilda ngại ngùng đứng lên, và rất chậm rãi, rất hồi hộp, bé đọc bài thơ của mình:
- "Bắc thang lên hỏi cánh diều
Ở trên dương thế có nhiều Jenny?
Một cô giáo thật nhu mì,
Khuôn mặt xinh xắn, hàng mi rợp buồn
Diều nghe xong, trả lời luôn:
Jenny duy nhất trong trường này thôi."
Khuôn mặt xanh xao dịu dàng của cô Honey ửng hồng lên màu hoa đào. Và cô mỉm cười thêm lần nữa. Nụ cười rạng rỡ. Nụ cười thích thú.
- Cám ơn Matilda, mặc dù không đúng sự thật, nhưng đó là bài thơ lục bát hay tuyệt. Trời ơi, cô phải cố nhớ bài thơ đó mới được.
Từ dãy bàn thứ ba, Lavender nói vọng lên:
- Nó hay quá, em thích nó ạ.
Bé trai tên Rupert chen vào:
- Nó nói đúng về cô ạ.
Bé Nigel tán đồng:
- Tất nhiên là đúng rồi.
Tất cả lớp đều bày tỏ thiện cảm với cô Honey, mặc dù cô chưa để ý tới bất cứ ai, ngoại trừ Matilda. Cô Honey hỏi:
- Ai dạy em đọc, Matilda?
- Em tự học lấy, thưa cô Honey.
- Cho cô biết em thích những cuốn gì?
- Em thích cuốn "Con Sư tử", "Phù thuỷ và cái tu". Theo em, ông C. S. Lewis là nhà văn hay, nhưng thiếu sót của ông ấy là, không có những tình tiết dí dỏm trong sách.
- Em nói đúng.
- Ông Tolkien cũng không viết những chi tiết khôi hài.
Cô Honey hỏi:
- Theo em, loại sách trẻ em cần có những tình tiết khôi hài à?
- Vâng ạ. Trẻ em không nghiêm trang như người lớn. Và trẻ em rất thích cười.
Cô Honey hoàn toàn sửng sốt trước sự khôn ngoan của đứa bé.
Cô hỏi:
- Đọc xong sách thiếu nhi rồi thì em định làm gì?
- Em đang đọc những cuốn sách khác ạ. Em mượn sách của thư viện. Bà Phelps rất tử tế với em. Bà ấy giúp em chọn sách.
Cô Honey tựa người lên bàn nhìn chăm chú đứa bé. Hầu như cô hoàn toàn quên bẵng mười bảy học sinh đang ngồi kia. Cô hỏi tiếp:
- Đó là những cuốn sách nào?
- Em rất thích Charles Dickens ạ. Ông làm em cười nhiều lắm, đặc biệt là nhân vật Pickwick.
Lúc này, tiếng chuông từ ngoài hàng lang vang lên, báo hiệu giờ học chấm dứt.

Read more…

Truyện thiếu nhi Nhà Vua Trẻ Tác giả Oscar Wilde Phần 1

2:25 PM |

Truyện thiếu nhi Nhà Vua Trẻ P1

Tác giả: Oscar Wilde

Truyện thiếu nhi Nhà Vua Trẻ
Truyện thiếu nhi Nhà Vua Trẻ
Lúc này, vào ban đêm trước ngày lễ phong vương được quá định, nhà vua trẻ ngồi một mình trong căn phòng xinh đẹp của mình. Tất cả các triều thần đã xin cáo từ sau khi cúi dập đầu xuống đất, đúng theo nghi thức của thuở đó, và họ đã lui về phòng khánh tiết ở hoàng cung để tiếp nhận một ít bài học cuối cùng của giáo sư nghi thức: trong đám các vị, có một vài người vẫn còn giữ những dáng điệu hết sức tự nhiên, mà đối với một triều thần, tôi cần phải đường đột mà nói ra, đó là một sự vi phạm nghiêm trọng. Cậu bé -vì đấy chỉ là một thiếu niên mới mười sáu tuổi -không lấy làm buồn phiền lúc họ đã đi khỏi. Với một tiếng thở dài khoan khoái, cậu ngả người xuống các tấm đệm êm dịu trên chiếc trường kỷ phủ vải thêu. Cậu nằm ở đấy, mắt nhìn hoang dại và miệng mở rộng nom như một con thú màu nâu vùng sơn cước hoặc như một động vật nào đó ở vùng rừng núi mới bị người thợ săn bẫy được. Mà thật vậy, chính các tay thợ săn đã tình cờ tìm thấy cậu lúc mà, chân không giày không guốc và tay cầm chiếc sáo, cậu đang đi theo đàn gia súc của bác chăn dê nghèo khổ đã nuôi nấng cậu, và cậu luôn luôn nghĩ rằng cậu là con trai bác ta.
Người con gái độc nhất của đức vua đã sinh ra cậu do một cuộc hôn nhân bí mật với một người ở địa vị thấp kém hơn nàng nhiều, có kẻ nói đó là một người nước ngoài đã khiến cho nàng công chúa trẻ phải lòng do tiếng đàn luýt có ma lực kỳ lạ của mình; những người khác lại đả động đến một nghệ sĩ từ Ri-mi-ni tới và được nàng công chúa trọng vọng- có lẽ lại quá trọng vọng -và chàng đã đột ngột biến khỏi thành bang, bỏ dở công trình của chàng ở nhà thờ lớn. Ra đời được một tuần, lúc còn nằm bên cạnh bà mẹ đang ngủ, cậu bé được giao cho vợ chồng một bác nông dân bình thường chăm sóc; họ không có con cái và ở trong một khu rừng hẻo lánh cách xa thành bang hơn một ngày đi ngựa. Hình như một thứ thuốc độc có công hiệu nhanh chóng được lùa vào một cốc rượu vang, đã giết chết người con gái trong trắng sinh ra cậu, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi nàng tỉnh giấc. Và trong lúc tin những kẻ thân tín của nhà vua mang đứa bé đi khỏi thành bang vừa nhảy xuống khỏi những con ngựa mệt nhoài, gõ vào cánh cửa thô kệch ở túp lều bác chăn dê, thì xác nàng công chúa được hạ xuống một cái hố lộ thiên đào sẵn trong một nghĩa địa xa khuất ở bên kia cổng thành. Theo như người ta đồn đại, đã có một cái xác khác trong huyệt, xác một chàng thanh niên với vẻ đẹp kỳ diệu của một người nước ngoài, tay bị trói quặt sau lưng bằng một chiếc dây thừng thắt nút, ngực bị những nhát dao đâm để lại những vết thương còn tươi máu.
ít ra, câu chuyện người ta rỉ tai nhau mà đồn đại, là như vậy. Có điều chắc chắn, là vị vua già, lúc nằm trên giường đợi phút lâm chung, hoặc bị giày vò bởi sự ăn năn trước tội ác ghê gớm của mình, hoặc đơn giản hơn, muốn rằng vương quốc không bị lọt khỏi dòng họ mình, vị vua già đã phái người đi tìm đứa bé và trước mặt đông đủ các quan, ông đã thừa nhận nó là người kế vị. Hình như ngay từ phút đầu tiên được thừa nhận, cậu bé đã tỏ rõ những dấu hiệu mê đắm cái đẹp mà sẽ có một ảnh hưởng lớn lao đối với suốt cuộc đời của cậu. Những ai theo hầu cậu ta đến dãy phòng dành riêng cho cậu, đều thường nói đến tiếng kêu thích thú cậu bật ra khi trông thấy bộ áo quần đẹp đẽ cùng vô khối đồ trang sức đã được chuẩn bị sẵn cho cậu; và họ cũng nói đến niềm vui sướng gần như hoàn toàn lúc cậu vất sang một bên chiếc áo chẽn bằng da sù sì với chiếc áo da dê khô cứng. Thật tình, thỉnh thoảng cậu cũng thấy nhớ đời sống tự do ở rừng núi, và bao giờ cũng dễ dàng bực bội trước các nghi thức nhạt nhẽo ở triều đình đang chiếm phần lớn thời gian trong ngày; nhưng cái cung điện kỳ lạ.
-Thiên hạ gọi là cung điện vui thú, mà giờ đây cậu thấy bản thân mình làm chủ, hình như là một thế giới mới được tạo ra vì lạc thú của cậu. Và hễ vừa thoát khỏi bàn hội đồng hoặc phòng bệ kiến là cậu chạy xuống chiếc cầu thang lớn trang trí bằng những con sư tử đồng thau dát vàng và các bậc bằng đá poóc-phia lấp lánh; cậu đi vẩn vơ từ phòng này sang phòng khác, từ dãy hành lang này đến dãy hành lang nọ, nom như một người đang tìm tòi để phát hiện ra ở cái đẹp một niềm an ủi cho nỗi buồn khổ, hoặc một thứ gì đó để phục hồi lại sau cơn đau ốm. Trong những ngày mà cậu gọi là những ngày khám phá
mà thật thế, đối với cậu, đấy là những cuộc du hành thực sự qua một xứ kỳ diệu. Đôi khi đi cùng với cậu là những kiếm đồng triều đình, người mảnh khảnh, mái tóc xinh xắn, bận những chiếc áo khoác tà bay lất phất với những dây băng phấp phới vui mắt; nhưng thường khi cậu muốn đi một mình, do một bản năng nhạy bén nào đó, gần như một kinh nghiệm, cậu cảm thấy rằng nếu muốn tiếp thụ tốt nhất những bí quyết của nghệ thuật thì phải học tập một cách kín đáo, và cái Đẹp, cũng như sự Lịnh duyệt, chỉ yêu thương người thờ phụng nó trong cảnh cô đơn. Vào thời kỳ đó, người ta thuật lại nhiều câu chuyện lạ lùng về cậu ta. Chuyện kể rằng, có một ông thị trưởng người béo mập, nhân danh các công dân thành phố tới chúc tụng cậu đã bắt gặp cậu đang quỳ xuống trong sự sùng kính thực sự trước một bức tranh rập khổ vừa mới đưa từ Vơ-ni-dơ về, và hình như chuyện đó báo trước sự thờ phụng một vài thần linh mới. Vào một dịp khác, cậu đã vắng mặt trong nhiều tiếng đồng hồ, và sau một cuộc tìm kiếm kéo dài người ta tìm ra cậu trong một căn phòng nhỏ ở một cái tháp phía bắc cung điện, như một người ở trạng thái nhập định, cậu đang ngắm nhìn một viên đá khắc khuôn mặt A-đô-nix. Thế là chuyện đồn đại rằng người ta đã thấy cậu đưa đôi môi nóng hổi áp sát vầng trán bằng đá cẩm thạch của một pho tượng cổ được phát hiện trong lòng một con sông vào dịp xây dựng chiếc cầu bằng đá và trên đó có khắc tên người nô lệ Bai-ti-nai-ân. Có khi cậu thức suốt một đêm ròng để theo dõi hiệu lực của một chút ánh trăng trên tấm hình En-di-mi-ông bằng bạc. Mọi vật liệu hiếm hoi và đắt tiền thực sự đều có sức thôi miên cậu; do lòng hăm hở muốn có được những thứ đó, cậu phái các nhà buôn đi khắp nơi, kẻ đi trao đổi hổ phách với các ngư dân cục mịch tại các biển phương bắc, người sang Ai-cập tìm kiếm thứ ngọc lam kì lạ chỉ có trong mộ của các vị đế vương, mà theo lời đồn, chúng có những đặc tính ma thuật; người lại tới Ba-tư tậu các thảm lụa và đồ gốm trang trí hình vẽ; còn những kẻ khác sang ấn-độ mua sa và ngà voi đánh màu, các thứ đá mặt trăng và vòng xuyến bằng ngọc, gỗ đàn hương và men xanh, các tấm khăn choàng bằng len mịn. Nhưng vật khiến cậu bận tâm bận trí nhất, ấy là chiếc áo choàng bào cậu sẽ mặc vào dịp lễ phong vương, chiếc áo dệt bằng vàng, chiếc vương miện gắn hồng ngọc, cây thiền trượng với những dãy, những vòng ngọc thạch tiếp nối nhau. Quả thật đêm nay cậu đang nghĩ đến nó lúc cậu ngả lưng trên chiếc giường sang trọng ngắm nhìn thanh củi đang cháy ở chiếc lò sưởi để mở.
Những hình mẫu do bàn tay các nghệ sĩ nổi tiếng thời đó phác họa ra, đã được trình lên cậu nhiều tháng trước đây, cậu đã ban lệnh cho các thợ thủ công phải ngày đêm làm việc miệt mài để hoàn thành nó và phải đi lùng khắp thế giới tìm các châu báu xứng đáng với công trình của họ. Cậu tưởng tượng mình đang đứng ở chiếc bàn thờ cao tại giáo đường, trong bộ quần áo đẹp đẽ của một vị vua; rồi một nụ cười nấn ná trên đôi môi trẻ con của cậu và, với một vẻ đẹp huy hoàng, nó làm rạng rỡ đôi mắt u sầu của người vùng rừng núi. Một lát sau, cậu đứng lên, tựa vào mái có chạm trổ của chiếc bếp lò, đảo mắt nhìn căn phòng chìm trong bóng tối lờ mờ. Trên tường treo những bức trướng lộng lẫy trang trí tấm hình Sự chiến thắng của cái đẹp. Một chiếc tủ lớn, khảm mã não và đá da trời, choán cả một góc phòng; đối diện với cửa sổ là một cái tủ con chạm trổ kỳ công, chỗ thì khảm bạc chỗ thì khảm vàng, trên đặt một vài cái cốc thanh nhã bằng thủy tinh Vơ-ni-dơ với một chiếc cốc bằng đá mã não có đường gân xám. Tấm khăn trải giường bằng lụa thêu những cây thuốc phiện xám nhạt như thể chúng rũ xuống từ những bàn tay mệt mỏi của thần giấc ngủ. Chiếc sạp bọc nhung mà từ đó có các chùm lông đà điểu như bọt biển trắng, vươn lên cho tới nền cái xanh xao của mái trần điểm hoa văn.
Một thần Nác-xít bằng đồng thau xanh, cầm chiếc gương bóng loáng phía trên đầu. Trên bàn đặt một chiếc bát nông lòng, bằng thạch anh xanh. Nhìn ra bên ngoài, cậu có thể thấy cái đỉnh tròn to lớn của giáo đường hiện ra lồ lộ như một chiếc bong bóng trên đầu các ngôi nhà mờ ảo, lính tuần canh mệt mỏi đi lên đi xuống sân thượng mù sương ở gần con sông. Mùi hương nhài thoang thoảng bay vào qua cửa sổ để mở. Cậu chải những cụm tóc cuốn búp phía trước trán ra sau, rồi vớ lấy một cây đàn luýt, cậu dạo ngón tay lướt trên các phím. Đôi mi mắt nặng trĩu của cậu cụp xuống và một cảm giác uể oải lạ lùng đè nặng lên cậu. Từ trước đến nay chưa bao giờ cậu cảm thấy thấm thía đến thế, hoặc với một niềm vui sướng tế nhị đến thế, cái ma lực và cái huyền bí của các đồ vật xinh đẹp. Lúc đồng hồ ở tháp canh báo nửa đêm, cậu đụng vào một cái chuông nhỏ; các kiếm đồng bèn bước vào cởi áo cho cậu theo đúng nghi thức nghiêm ngặt, dội nước hoa lên bàn tay cậu và rắc hoa lên chiếc gối. Họ rời căn buồng được giây lát thì cậu ngủ thiếp đi. Và trong khi ngủ cậu đã mơ, và giấc mơ của cậu là thế này.
Cậu thấy mình đang đứng trong một tầng nhà dài và thấp, giữa tiếng vo vo và tiếng lách cách của nhiều khung cửi. ánh sáng ban ngày yếu ớt xuyên qua các cửa sổ chỉ cho cậu thấy khuôn mặt gầy gò của những người thợ dệt đang cúi khom người xuống khung cửi của họ. Bọn trẻ con nom xanh xao, ốm yếu đang cúi xuống những thanh ngáng to. Mỗi khi các con thoi lao qua sợi dọc, chúng phải nâng các ván lót nặng nề lên, khi các con thoi ngừng lại thì chúng để các ván lót rơi xuống và ép các sợi chỉ lại với nhau. Mặt chúng nhăn nhúm lại vì đói, đôi bàn tay gầy guộc của chúng run run. Một vài người phụ nữ phờ phạc đang ngồi khâu ở một chiếc bàn may. Một thứ mùi khủng khiếp tràn ngập nơi đây. Không khí hôi thối, nặng nề, và khí ẩm ở các bức tường đọng lại nhỏ giọt rồi tuôn chảy. Cậu đi tới một người thợ dệt, rồi đứng cạnh bác và ngắm nhìn bác ta. Người thợ dệt giận dữ nhìn cậu và nói:
-Cớ chi mà anh cứ đứng nhìn ta như thế, hở? ông chủ phái anh đến đây để do thám bọn ta hẳn?
-Chứ bác là ai vậy?
-Cậu hỏi.
-Lại còn hỏi!
-Người thợ dệt kêu lên giọng gay gắt.
-Ông ta cũng là người như ta đây này. Đúng thế. Duy chỉ có một sự khác biệt như thế này giữa hai bên
-Ông ấy thì mang quần áo đẹp trong khi bọn ta ăn mặc rách rưới; trong khi ta ốm yếu vì đói thì ông ta bội thực, chẳng đau ốm gì ráo.
-Xứ sở đã tự do
-Cậu nói
-Và bác không phải là nô lệ của ai. Trong chiến tranh -bác thợ dệt đáp
-Kẻ mạnh bắt kẻ yếu làm nô lệ, còn trong thời bình, người giàu biến kẻ nghèo thành nô lệ. Bọn ta phải lao động để sống, và người ta cho bọn ta những đồng lương tồi tệ khiến bọn ta phải chết. Bọn ta suốt ngày nai lưng ra làm việc, còn họ thì chất chồng vàng bạc trong hòm xiểng. Con cái bọn ta tàn héo trước tuổi, khuôn mặt những kẻ ta yêu thương trở nên khắc khổ và độc ác. Bọn ta đạp quả nho còn kẻ khác thì uống rượu vang. Bọn ta gieo thóc nhưng bàn ăn của bọn ta trống rỗng. Chúng ta mang xiềng xích tuy chẳng có con mắt nào nom thấy; và người ta cho rằng bọn ta tự do, nhưng chúng ta vẫn là nô lệ.
-Ai ai cũng thế cả, hay sao?
-Cậu bé hỏi.
-Ai ai cũng đều thế cả.
-Người thợ dệt trả lời.
-Với người trẻ cũng như người già, với đàn bà cũng như đàn ông, với trẻ con cũng như người già tuổi tác. Bọn lái buôn vùi bọn ta xuống tận đất đen, ấy thế mà bọn họ bảo sao, bọn ta phải nghe vậy. Các tu sĩ ngồi trên mình ngựa đi cạnh bọn ta, tay lần tràng hạt nhưng không có ai, săn sóc quan tâm đến bọn ta. Với đôi mắt háu đói; con Ma Nghèo đang luồn qua các ngõ hẻm thiếu ánh sáng mặt trời, và Tội ác, mang cái bộ mặt đần độn, đang đi bám sát nó. Buổi sáng, mối Cơ Hàn đánh thức bọn ta. Nhưng đối với anh, những cái đó có nghĩa lý gì? Anh đâu có phải người thuộc cánh bọn ta. Nom mặt mày anh sung sướng quá! Nói xong, bác vừa cau có giận dữ, vừa quay đi, làm việc với con thoi của mình và nhà vua trẻ thấy mắc vào thoi là một sợi chỉ bằng vàng. Một nỗi kinh sợ ghê gớm xâm chiếm cậu, cậu hỏi bác thợ dệt:
-Cái áo bác đang dệt đây là áo gì vậy?
-Đó là chiếc áo dùng vào việc phong vương cho nhà vua trẻ.
------------------------------------------------------------------------------------------------

Truyện thiếu nhi Nhà Vua Trẻ Tác giả Oscar Wilde Phần 1

------------------------------------------------------------------------------------------------
-Bác đáp.
-Việc gì đến anh mà anh hỏi? Thế là nhà vua trẻ hét lên một tiếng và tỉnh giấc, nhưng kìa, cậu vẫn nằm trong phòng riêng của mình, và qua cửa sổ, cậu thấy mặt trăng màu mật đang treo lơ lửng trên không trung mờ tối. Rồi cậu lại ngủ thiếp đi, lại chiêm bao và chiêm bao như thế này. Cậu thấy mình đang nằm trên boong một chiếc ga-lê to lớn do một trăm người nô lệ chèo. Chủ chiếc tàu ngồi cạnh cậu, trên một chiếc thảm. Da lão đen như gỗ mun, đầu chít một chiếc khăn lụa đỏ thắm. Đôi hoa tai bằng bạc buông thõng ở hai thuỳ tai dày và tay lão cầm một chiếc cân bằng ngà. Những người nô lệ mình trần trùi trụi, chỉ đeo một chiếc khố rách, người này bị xích vào người nọ. Mặt trời nóng gắt rót ánh sáng bỏng rát lên họ, còn bọn da đen thì chạy lên chạy xuống trên cầu thuyền và dùng roi da sáng quất vun vút vào người họ. Họ vươn đôi cánh tay khẳng khiu khua các mái chèo nặng nề trong nước làm bụi nước bắn tung tóe. Cuối cùng, tàu tới được một cái vịnh nhỏ và bắt đầu đo dò. Từ bờ biển, một ngọn gió nhẹ thổi tới phủ một thứ bụi đỏ mịn lên boong và tấm buồm tam giác. Có ba người ả-rập cưỡi trên những con lừa hoang xông tới và phóng những mũi lao vào họ. Người chủ chiếc tàu, tay vớ một chiếc cung sơn màu và bắn trúng cổ họng của một trong ba người. Người đó nặng nề đổ vật xuống bọt sóng vỗ bờ, còn người bạn của y thì quất lừa tháo chạy. Một phụ nữ, mình quấn chiếc khăn choàng màu vàng, cưỡi lạc đà, lặng lẽ đi theo, thỉnh thoảng ngoái lại sau nhìn cái xác chết. Buông neo và hạ buồm xong, bọn da đen đi xuống hầm tàu và kéo lên một chiếc thang dây đính những cục chì nặng.
Lão chủ chiếc tàu ném thang qua thành tàu, khiến thang bám chặt vào hai cái trụ bằng thép. Thế rồi bọn da đen túm lấy người trẻ nhất trong đám nô lệ, đánh bật chiếc xiềng ở người anh, lấy sáp bít lỗ mũi, lỗ tai anh lại và buộc một hòn đá to vào ngực anh. Anh nô lệ mệt nhọc trườn xuống thang rồi mất hút vào biển. Một ít bong bóng nổi lên ở chỗ anh vừa lặn xuống. Vài người nô lệ tò mò chăm chú liếc nhìn. ở đầu mũi tàu ga-lê, một gã dụ mê ngồi gõ trống đều đều. Một lát sau, người lặn nổi lên khỏi mặt nước, miệng thở dốc, tay trái bám chặt chiếc thang, tay phải cầm một viên ngọc.
Bọn da đen giật nó khỏi tay anh rồi lại đẩy anh xuống biển. Những người nô lệ ôm lấy mái chèo mà ngủ thiếp đi. Hết lượt này đến lượt khác, anh nô lệ đi lên và mỗi lần như vậy, anh cầm theo mình một viên ngọc đẹp. Lão chủ cân ngọc rồi bỏ nó vào một cái túi nhỏ bằng da màu xanh. Nhà vua trẻ cố thử lên tiếng, nhưng lưỡi líu lại, như gắn chặt vào vòm miệng và môi không chịu mấp máy. Bọn da đen không ngớt chuyện trò với nhau rồi bắt đầu cãi cọ vì một dây chuyền gồm những hạt lấp lánh. Rồi hai cái đầu lăn tròn trên tàu, kêu công cốc. Thế rồi một lần cuối cùng, người nô lệ nổi lên, và viên ngọc anh mang theo đẹp hơn tất cả các viên ngọc khác, bởi vì hình dáng nó giống như mặt trăng rằm và nó sáng hơn ngôi sao mai. Nhưng mặt anh nô lệ nhợt nhạt lạ lùng, và khi anh ngã vật trên cầu tàu thì máu mũi và máu tai trào ra. Anh run run chốc lát rồi nằm bất động. Bọn da đen nhún vai, vất xác anh qua mạn tàu. Lão chủ vừa cười vừa với tay cầm lấy viên ngọc và lão nhìn nó, lão áp nó vào trán và kính cẩn cúi mình. Lão nói:
“Viên ngọc này phải dành cho cây thiền trượng của đức vua trẻ”. Nói xong lão ra hiệu cho bọn da đen nhổ neo. Nhà vua trẻ nghe như vậy, liền hét lên một tiếng và thức giấc. Qua cửa sổ, cậu nom thấy những ngón tay xám dài của rạng đông bám chặt lấy các vì sao đang nhạt dần. Rồi một lần nữa, cậu lại ngủ thiếp đi, lại chiêm bao, và chiêm bao như thế này. Cậu thấy mình đang đi lang thang qua một khu rừng tối mờ, cây cối lủng lẳng những quả kì lạ và những bông hoa độc xinh đẹp. Những con rắn lục rít vào mặt cậu lúc cậu đi qua và những con vẹt lông óng ánh đang kêu inh ỏi chuyền từ cành này sang cành khác. Những con rùa to lớn nằm ngủ trên bùn nóng ấm. Cây cối đầy khỉ và chim công. Cậu cứ bước đi, đi mãi cho đến khi tới một bìa rừng, và tại đấy, cậu thấy một đám người đông nghịt đang làm việc cực nhọc trong lòng một con sông đã được tát cạn. Họ tụ lại đông như kiến ở các vách đá dựng đứng. Họ đào các giếng sâu trong lòng đất và trèo xuống. Một số trong đám họ dùng những chiếc búa chim bổ vào các tảng đá; những người khác lần mò trong cát. Họ nhổ bật rễ các cây xương rồng và giẫm lên các bông hoa màu đỏ thắm. Họ làm việc hối hả, thúc giục nhau và không ai là đứng không. Từ trong bóng tối âm u của một cái hang, Thần Chết và mụ Keo Kiệt ngắm nhìn họ, rồi Thần Chết nói:
-Ta yếu lắm; hãy cho ta một phần ba trong số bọn đó rồi để ta đi. Nhưng Keo Kiệt lắc đầu:
-Chúng là tôi tớ của ta, cho sao được! ông bèn nói:
-Nhà ngươi cầm cái gì trong tay ấy thế?
-Ta có ba hạt ngũ cốc.
-Mụ đáp.
-Cái đó việc gì đến ngươi?
-Hãy cho ta một hạt.
-Thần Chết kêu.
-Để ta gieo trong vườn của ta. Chỉ một hạt thôi, rồi ta sẽ đi khỏi nơi đây.
-Ta sẽ không cho ngươi một tí gì hết.
-Keo Kiệt đáp.
-Rồi mụ giấu bàn tay trong nếp áo quần của mụ. Thế là Thần Chết cười; lấy một chiếc cốc nhúng vào một ao nước và từ trong chiếc cốc, Sốt Rét nổi lên. Sốt Rét đi qua đám đông và một phần ba số người bị chết. Một đám sương mù lạnh lẽo cuốn theo thần bệnh và những con rắn nước chạy bên cạnh nó. Lúc thấy một phần ba đám đông đã bị chết, Keo Kiệt vừa đấm ngực thùm thụp vừa kêu khóc; mụ ta đập vào trái tim cằn cỗi của mình rồi hét to:
-Ngươi đã giết một phần ba bọn tôi tớ của ta. Ngươi hãy cút đi. Trong vùng núi Tác-ta-ri, đang có chiến tranh và các vị vua của mỗi phe đang kêu gọi ngươi. Bọn người áp-găng dắt những con bò mộng đang đi vào chiến trận. Chúng lấy giáo gõ vào những chiếc khiên và chúng đội mũ sắt. Cái thung lũng của ta có can hệ gì đến ngươi mà ngươi cứ phải nấn ná lại đây? Ngươi hãy cút đi, đừng có đến đây nữa.
-Không.
-Thần Chết đáp
-chừng nào ngươi chưa cho ta một hạt ngũ cốc thì ta còn chưa đi. Nhưng Keo Kiệt đã khép tay lại, vừa nghiến răng ken két vừa thì thầm:
-Ta không cho mi chút gì hết! Thần Chết bèn cười, nhặt lấy một hòn đá to ném vào rừng sâu; và từ một khu rừng cây độc mộc tua tủa, Bệnh Sốt bước ra trong chiếc áo rực lửa. Nó đi qua đám đông, đụng vào họ và hễ nó đụng tới ai thì người ấy chết. Nó đi tới đâu thì cỏ xanh tàn héo dưới bước chân của nó tới đó. Keo Kiệt rùng mình, lấy tro rắc lên đầu:
-Ngươi độc ác quá, độc ác quá chừng. Nạn đói đang hoành hành trong các thành bang có tường bao quanh của ấn-độ, và các giếng ở Xa-mác-can đã khô cạn. Nạn đói đang hoành hành trong các thành bang có tường bao quanh của Ai-cập, và từng đàn châu chấu từ sa mạc đổ tới. Sông Nin không dâng nước tràn bờ và các giáo sĩ đang nuôi dưỡng I-dít và s-di-rix. Ngươi hãy cút đi, tới những nơi cần đến ngươi và hãy chừa tôi tớ của ta ra.
-Không.
-Thần Chết đáp
-Ngươi chưa cho ta hạt ngũ cốc thì ta còn chưa đi.
-Ta không cho ngươi chút gì hết.
-Keo Kiệt nói. Và Thần Chết lại cười, nó đưa ngón tay lên huýt một tiếng sáo. Qua không trung một mụ đàn bà bay tới. Bệnh dịch hạch hiện ra trên trán mụ và một đàn diều hâu gầy nhom bay vờn quanh mụ. Mụ giang rộng cánh bao trùm lên thung lũng và không còn một ai sống sót. Thế là Keo Kiệt vừa la hét vừa bay vào rừng, còn Thần Chết nhảy lên con ngựa sắc đỏ, và con ngựa phi đi, nhanh hơn gió. ở đáy thung lũng những con mãng xà và nhiều con vật khủng khiếp có vẩy, từ trong bùn sền sệt, trườn ra, và những con chó rừng chạy tới dọc theo bờ sông, lỗ mũi hếch lên trời và hít hít. Nhà vua trẻ bật khóc và nói:
-Những người đó là ai, và họ đang tìm kiếm cái gì vậy?
-Tìm ngọc cho chiếc vương miện của đức vua.
-Một người đứng sau cậu, trả lời. Nhà vua trẻ giật mình và quay nhìn xung quanh, cậu nom thấy một người ăn mặc như một kẻ hành hương cầm trong tay một chiếc gương bằng bạc. Cậu tái mặt hỏi:
-Cho đức vua nào?
-Hãy nhìn vào chiếc gương này xem!
-Người hành hương đáp.
-Và ngươi sẽ thấy. Cậu bèn nhìn vào gương và khi nom thấy khuôn mặt của mình, cậu hét lên một tiếng và thức dậy: ánh ban mai lấp lánh đang tuôn chảy vào căn phòng và từ các lùm cây trong vườn, chim chóc đang hót ca. Quan tể tướng cùng các nhà quan đại thần bước vào bày tỏ lòng tôn kính lên nhà vua trẻ; các kiếm đồng đem đến cho cậu chiếc áo dệt bằng vàng, rồi đặt vương miện cùng cây thiền trượng trước mặt cậu. Nhà vua trẻ nhìn những thứ đó, thấy chúng quá là đẹp, đẹp hơn bất cứ cái gì người ta từng thấy. Nhưng cậu nhớ lại những giấc chiêm bao, và cậu nói với các quan:
-Hãy đem những thứ đó đi, vì ta sẽ không dùng đến. Nghe vậy, các triều thần đều sửng sốt, một số vị lại còn cười vì họ nghĩ rằng nhà vua đang đùa. Nhưng cậu nghiêm nghị nhắc lại một lần nữa và cậu nói:
-”Hãy đưa những thứ này đi chỗ khác, và hãy cất giấu đi, đừng để ta trông thấy. Tuy hôm nay là ngày ta được tấn phong, nhưng ta sẽ không dùng đến. Bởi lẽ chiếc áo của ta được dệt trên chiếc khung cửi của Đau Khổ và do bàn tay trắng của Cực Nhọc. Trong ruột viên ngọc có Máu, và trong ruột viên trân châu có Thần Chết”. Rồi kể cho họ nghe ba giấc mơ của mình. Khi các triều thần nghe kể, họ vừa nhìn nhau vừa thì thầm:
“Chắc chắn là nhà vua điên rồi, bởi vì chiêm bao chỉ là chiêm bao, chứ không thì là cái gì? Những chuyện đó đâu phải là chuyện thực mà chúng ta phải lưu ý tới? Vả lại, với những người làm việc khó nhọc vì chúng ta, chúng ta quan tâm đến cuộc sống của họ để mà làm gì? Lẽ nào con người không nên ăn bánh khi nom thấy người gieo hạt, không uống rượu vang khi y nói chuyện với người làm ra vang?” Rồi ông tể tướng trình lên nhà vua trẻ:
-Tâu hoàng thượng, cúi xin Người hãy gác sang bên những ý nghĩ u uất của Người. Người hãy mặc chiếc áo xinh đẹp này, và đội chiếc vương miện này lên. Bởi lẽ rằng dân chúng làm sao biết được Người là một vị vua nếu Người không có áo quần nhà vua? Nhà vua trẻ nhìn y:
-Thật như thế hay sao?
-Vua hỏi.
-Nếu ta không có quần áo của vị vua, họ sẽ không nhận ra ta là vua hay sao?
-Tâu hoàng thượng, họ sẽ không biết được Người.
-Ta từng nghĩ rằng đã có những người giống như vua. Nhưng thôi, có thể đúng như khanh nói. Tuy nhiên, ta vẫn không mặc chiếc áo này, mà ta cũng không đội chiếc vương miện này. Trước đây, ta đã đến cung điện này như thế nào thì nay ta ra khỏi nơi đây như thế ấy. Dứt lời, nhà vua trẻ bảo bọn họ hãy rút lui, trừ một kiếm đồng, một cậu bé kém cậu một tuổi, mà cậu giữ lại để làm bạn và phục vụ cậu. Khi cậu đã tự mình tắm lấy bằng nước trong vắt, cậu mở một chiếc hòm sơn to, rút ra một chiếc áo chẽn bằng da và chiếc áo ngoài bằng da đã thô rám, những thứ cậu đã từng mặc thuở còn ngồi trên sườn đồi trông coi đàn dê lông bờm xờm của người chăn dê. Cậu mặc những thứ đó vào và cầm lấy chiếc gậy thô cứng của kẻ chăn dê. Chú kiếm đồng ngạc nhiên mở to đôi mắt xanh lơ và vừa mỉm cười, chú vừa hỏi:
-Tâu hoàng thượng, tiểu thần thấy người đã có áo choàng và cây thiền trượng rồi; nhưng chiếc vương miện thì tiểu thần chưa được thấy.
Nhà vua trẻ ngắt một nhánh tầm xuân dại leo ở bao lơn, uốn cong nó lại, kết thành một vòng nhỏ và đặt lên đầu. Nhà vua đáp:
-Đây sẽ là vương miện của ta. Trong bộ quần áo như vậy, cậu đi qua phòng mình, bước vào phòng đại sảnh, ở đó các vị quý tộc đang đợi cậu. Nom thấy sự thể như vậy, các nhà quý tộc bèn đùa cợt và có một vài vị nói to:
-Tâu hoàng thượng, thần dân đang đợi vị vua của họ, còn người lại chỉ cho họ thấy một gã ăn xin. Những vị khác thì giận dữ nói:
-Y làm nhục quốc thể, không xứng đáng là vua của chúng ta. Nhưng cậu không đáp lại họ nửa lời, cậu tiếp tục đi qua, rồi bước xuống chiếc cầu thang bằng poóc-phia lấp lánh, vượt qua những chiếc cổng đồng đen, cậu leo lên ngựa, đi về phía nhà thờ lớn trong khi chú kiếm đồng bé nhỏ chạy bên cạnh. Dân chúng reo cười, họ nói:
-Đây là tên hề của đức vua cưỡi ngựa đi qua. Và họ chế giễu cậu. Cậu ghìm cương ngựa và nói:
-Không phải đâu, ta là vua đây. Rồi cậu kể cho họ nghe ba giấc chiêm bao của cậu. Cậu vừa dứt lời thì một người đàn ông bước ra khỏi đám đông và nói với cậu bằng một giọng gay gắt:
-Thưa ngài, há ngài lại không biết rằng chính cuộc sống xa hoa của người giàu mà nảy sinh ra cuộc sống của người nghèo sao? Do sự phù hoa của các ngài mà chúng tôi được nuôi dưỡng, và những thói đồi bại của các ngài đem đến cho chúng tôi cơm ăn áo mặc. Phải nai lưng làm việc cho một người chủ, đó là một điều cay đắng, nhưng còn cay đắng hơn nếu không có một ông chủ để vì ông ta mà cực nhọc. Ngài tưởng rằng lũ quS đen cho chúng tôi ăn sao? Mà, trước những điều đó, ngài có gì để cứu chữa? Liệu ngài có thể nói với người đi mua:
“Ngươi phải mua ngần này”, và với người bán:
“Ngươi phải bán với giá ngần này”. Có thể thế chăng? Tôi chả tin. Do vậy, ngài hãy quay trở về cung, hãy mặc thứ vải len đỏ thắm và mịn màng vào. Ngài làm được gì cho chúng tôi? Và ngài làm được gì cho những đau khổ của chúng tôi?
-Thế người giàu và kẻ nghèo không phải là anh em sao?
-Nhà vua hỏi.
-Phải,
-Người kia đáp, và tên người anh em giàu có là Ca-anh. Thế là nhà vua trẻ nước mắt tràn trề, giục ngựa tiến lên qua những tiếng lầm rầm của dân chúng. Chú kiếm đồng nhỏ bé đâm sợ nên bỏ mặc nhà vua. Khi cậu tới cửa lớn của giáo đường, bọn lính canh chĩa kích ra và nói:
-Mi tới đây tìm cái gì hở? Trừ đức vua ra, không ai được vào đây. Thế là mặt cậu đỏ bừng bừng vì giận, cậu bảo họ:
-Ta là vua đây.
-Rồi gạt những chiếc kích sang bên, cậu bước vào. Thấy cậu bước vào với bộ quần áo của kẻ chăn dê, đức tổng giám mục già nua đang ngồi ở ngai, ngạc nhiên đứng lên, bước xuống gặp cậu và nói:
-Con ơi! Đây là trang phục của một vị vua sao? Ta đặt chiếc vương miện nào lên cho con được? Và ta trao cây thiên trượng nào vào tay con? Đối với con, hôm nay chắc chắn phải là một ngày hoan lạc chứ đâu phải là một ngày sỉ nhục.
-Thế Hoan Lạc phải khoác vào những gì mà Đau Khổ đã tạo ra chăng?
-Vua hỏi. Và vua kể lại ba giấc chiêm bao của mình. Nghe kể xong, ông tổng giám mục chau mày và nói:
-Con ạ, ta là một người già cả. Vào mùa đông tuổi tác của ta, ta biết người ta làm quá nhiều điều xấu xa trên cõi thế bao la này. Bọn trộm cướp độc ác từ vùng rừng núi kéo xuống và cướp bọn trẻ con đem bán chúng làm nô lệ cho bọn Mô-rơ. Những con sư tử nằm rình các đoàn người lái buôn và nhảy bổ vào những con lạc đà. Con gấu hung dại nhổ bật cây lúa trong thung lũng và cáo gặm nát cây nho trên đồi. Bọn cướp tàn phá vùng duyên hải, đốt cháy thuyền của ngư dân, lấy lính của họ mang đi. Những người bị bệnh phong sống trong các đầm lầy nước mặn, nhà của họ lợp thưng bằng phên liếp lau sậy, không một ai có thể tới gần họ. Kẻ ăn xin đi lang thang qua các đô thị, chia sẻ miếng ăn với lũ chó. Con xem, con có thể ngủ cùng giường với người phong, ăn cùng bàn với người ăn xin được chăng? Liệu con sư tử có làm theo lệnh con và con gấu dữ phải phục tùng con hay không? Bởi lẽ đó, ta không ca tụng con vì điều con đã làm, ta chỉ yêu cầu con hãy trở về cung, hãy làm cho nét mặt con được hân hoan lên, hãy mặc bộ áo quần xứng đáng với một vị vua; ta sẽ đặt lên đầu con chiếc vương miện bằng vàng, ta sẽ trao vào tay con cây thiền trượng nạm ngọc. Còn những chiêm bao của con, con hãy thôi đừng nghĩ đến nữa. Gánh nặng này của thế gian này quá lớn, một người đâu có mang nổi được; và nỗi đau khổ của trần thế quá nặng nề, riêng một trái tim đâu có chịu đựng được cho xuể.
-Trong ngôi nhà này mà cha nói thế sao?
-Nhà vua trẻ nói.
-Rồi cậu thúc ngựa vượt lên trước. Cậu bước lên các bậc điện thờ rồi đứng trước tượng Thiên Chúa. Cậu đứng trước tượng của Thiên Chúa; bên phải và bên trái cậu là những hình kỳ lạ bằng vàng, chiếc cốc rượu lễ đựng rượu vang vàng và chiếc lọ nhỏ chứa nước thánh. Cậu quỳ xuống trước Thiên Chúa; các cây bạch lạp cháy sáng lóa bên cạnh hòn ngọc đựng thánh cốt, khói hương nghi ngút màu xanh nhạt cuộn vờn bay lên qua vòm nhà. Cậu cúi đầu cầu nguyện, và các tu sĩ trong bộ áo lễ cứng đờ, ren rén xuống khỏi nơi bệ thờ.
Rồi đột nhiên, từ ngoài đường phố vọng vào tiếng huyên náo dữ dội; các nhà quý tộc bước vào, với kiếm tuốt trần, với những chùm lông đà điểu phất phất trên mũ, với những chiếc khiên thép bóng loáng. Họ thét lên:
-Cái gã mộng mị chiêm bao ấy đâu rồi? Cái gã vua trang phục như thằng ăn xin ấy đâu? Cái thằng bé làm hổ nhục quốc gia chúng ta, hắn đâu? Nhất định ta phải giết hắn đi, vì hắn không xứng đáng để trị vì. Nhưng nhà vua trẻ lại cúi đầu thấp hơn và vẫn cầu nguyện. Cầu nguyện xong, cậu đứng lên đảo mắt ra xung quanh, cậu buồn bã nhìn họ. Và kỳ lạ chưa! Qua các cửa sổ sơn son thiếp vàng, ánh mặt trời rọi vào, tuôn chảy trên người cậu, các tia nắng dệt xung quanh cậu một chiếc áo còn đẹp hơn chiếc áo đã được tạo ra vì sự thích thú của cậu. Chiếc gậy khô cứng kết nụ và sinh ra các bông huệ trắng hơn ngọc ngà. Cành gai khô khốc kết nụ và sinh ra các đóa hồng thắm đỏ hơn hồng ngọc. Trắng hơn ngọc là những bông huệ mà cuống bằng bạc lấp lánh. Đỏ hơn hồng ngọc là những bông hồng mà lá là vàng điệp. Cậu đứng đấy trong trang phục của một vị vua; các cửa của hòm thánh cốt bằng ngọc bật mở ra và từ pha lê của chiếc lọ đựng bánh thánh nhiều sọc, tỏa ra một thứ ánh sáng diệu kỳ và thần bí. Cậu đứng đấy trong trang phục của một vị vua và vầng hào quang của Chúa tràn ngập nhà thờ, các vị thánh trong các hãm tường hình như đang cử động. Trong trang phục xinh đẹp của một vị vua, cậu đứng đấy trước mặt các vị thánh; và chiếc đại phong cầm ngân nga từng tràng nhạc, các tay kèn thổi kèn vang vang, bọn trẻ con đồng ca cất tiếng hát. Thế là dân chúng bèn quỳ xuống trong nỗi kinh hoàng, các nhà quý tộc tra kiếm vào vỏ rồi dâng lời chúc tụng; khuôn mặt ông đức giám mục trở nên trắng bạch và tay ông run lên. ông nói:
-Phong vương cho Người phải là một đấng cao cả, chứ tôi đâu có dám.
-Rồi ông quỳ xuống trước mặt cậu. Đến đây, nhà vua trẻ từ trên bệ thờ cao bước xuống, rẽ qua đám đông dân chúng để trở lại hoàng cung. Nhưng không một ai dám nhìn thẳng vào mặt cậu vì khuôn mặt cậu nom như một thiên thần.

ông Hoàng hạnh phúc
Trên một bệ cao, pho tượng ông Hoàng hạnh phúc đứng sừng sững nhìn xuống thành phố. Khắp mình ông phủ đầy những mảnh vàng lá nguyên chất, mắt ông là hai viên ngọc bích long lanh, một viên hồng ngọc rực sáng ở chuôi kiếm của ông. Quả thật, người người đều ca tụng ông hết lời. Một vị ủy viên Hội đồng thành phố nhận xét:
“ông ta cũng đẹp bằng chiếc chong chóng gió”; ông ủy viên này muốn được tiếng là con người có những sở thích nghệ thuật, nhưng rồi ông nói thêm:
“Có điều không hẳn đã có ích bằng”, ông e thiên hạ cho rằng ông không thực tế, mà sự thực thì ông đâu có như vậy. Một bà mẹ khôn ngoan hỏi đứa con trai bé nhỏ của bà đang kêu khóc đòi ông trăng:
“Cớ sao con không thể như ông Hoàng hạnh phúc, hử ? ông Hoàng hạnh phúc không bao giờ kêu khóc vẩn vơ để đòi bất cứ một cái gì”. Một người chán ngán sự đời, nhìn chằm chằm vào pho tượng kỳ lạ, đã thốt lên:
“Ta cũng lấy làm vui lòng thấy trên thế gian này còn có người hoàn toàn sung sướng”.
-Nom ông ta đúng như một thiên thần,
-Bọn trẻ con ở Viện mồ côi nói như vậy, lúc chừng từ nhà thờ lớn bước ra trong những chiếc áo màu đỏ tươi và những chiếc tạp dề trắng tinh.
-Chúng mày biết làm sao được?
-thầy giáo dạy toán nói.
-Chẳng bao giờ chúng mày thấy được thiên thần cả.
-ồ thế mà chúng cháu đã thấy rồi, khi chúng cháu nằm mơ,
-lũ trẻ đáp. Thầy giáo dạy toán bèn cau mày nom rất nghiêm khắc, vì ông không tán thành để trẻ con mơ mộng. Một đêm, có một con chim én bé nhỏ bay trên thành phố. Sáu tuần trước đây, bạn bè của nó đã sang Ai Cập, nhưng nó nán lại sau mới lên đường. én bay, én bay suốt ngày, vào lúc đêm thì tới thành phố
“Mình trọ ở đâu được nhỉ ?
-én nói.
-Mong sao dân phố đã chuẩn bị chu đáo”. Thế rồi, én nom thấy pho tượng sừng sững trên bệ cao. Nó kêu lên:
“Mình muốn trú đêm trên đó; chỗ ấy thanh lịch, tha hồ thoáng mát”. én bèn đậu xuống đúng giữa đôi bàn chân của ông Hoàng hạnh phúc.
“Mình có một phòng ngủ bằng vàng”,
-nó vừa nhìn quanh vừa thoải mái tự nghĩ, và sửa soạn ngủ. Nhưng vừa đúng lúc nó đang cúp đầu dưới đôi cánh thì có một giọt nước to rơi lên người nó.
“Gì mà kỳ thế này!-nó kêu lên.-Trên trời không một gợn mây, sao thì sáng long lanh, ấy vậy mà lại mưa! Cái khí hậu vùng Bắc âu quả thật đáng sợ”.
Rồi một giọt nước khác rơi xuống.
“Tượng mà không thể che mưa được cho người ta thì tượng dùng để làm gì?
-Nó nói.
-Mình phải đi tìm một cái chụp ống khói mới được”.
-Và én quyết định bay đi. Nhưng nó chưa kịp mở đôi cánh ra, thì lại một giọt thứ ba rơi xuống; nó bèn ngước nhìn lên và trông thấy
-nó trông thấy gì nhỉ? Chao ôi! Đôi mắt của ông Hoàng hạnh phúc tràn trề nước mắt, và những giọt nước mắt đang ròng ròng chảy xuống đôi má bằng vàng của ông. Trong ánh trăng, nom ông đẹp đến nỗi con chim én bé nhỏ thấy lòng tràn ngập mối thương tâm. Nó hỏi:
-Ông là ai vậy?
-Ta là ông Hoàng hạnh phúc!
-Thế tại sao ông khóc?
-én hỏi.
-ông làm em ướt sạch rồi.
-Thuở xưa, lúc ta còn sống và mang một trái tim người,
-ông Hoàng đáp,
-ta không biết nước mắt là gì, bởi vì ta sống trong Cung điện Không-sầu-tư; ở đó nỗi đau buồn không được phép bước vào. Ban ngày, ta vui chơi với các bạn bè trong khu vườn. Buổi tối, ta điều khiển cuộc khiêu vũ trong đại sảnh. Có một bức tường cao ngất chạy bao quanh khu vườn, nhưng chưa bao giờ ta từng để tâm hỏi xem bên kia tường có gì, bởi lẽ xung quanh ta cái gì cũng đẹp quá đỗi. Các triều thần gọi là ông Hoàng hạnh phúc. Ta sống như thế, rồi ta chết như thế. Bây giờ, khi ta đã chết, họ đặt ta trên cao đây, cao đến nỗi ta có thể nom thấy tất cả cái xấu xa cùng tất cả cảnh cơ cực của thành phố ta; và cho dẫu trái tim ta đúc bằng chì, ta cũng không có cách nào khác hơn là khóc và khóc.
------------------------------------------------------------------------------------------------

Truyện thiếu nhi Nhà Vua Trẻ Tác giả Oscar Wilde Phần 1

------------------------------------------------------------------------------------------------
“Sao thế nhỉ? Tượng không phải bằng vàng khối ư?”
-én nghĩ thầm, nó rất lịch sự nên không nói to những nhận xét của riêng bản thân. Bằng một giọng trầm trầm du dương, pho tượng nói tiếp:
“ở đằng xa, ở đằng xa kia, trong một khu phố nhỏ, có một căn nhà nghèo nàn. Một cánh cửa sổ để mở, qua đó, ta có thể nom thấy một người đàn bà ngồi bên một chiếc bàn. Khuôn mặt bà ta gầy gò và tiều tuỵ; bàn tay bà thô kệch, ửng đỏ, chi chít những vết kim châm, bởi vì bà ta là một người thợ khâu. Bà đang thêu những bông hoa lạc tiên trên chiếc áo xa-tanh cho nàng hầu yêu quý nhất của hoàng hậu để nàng mặc trong buổi khiêu vũ sắp tới ở triều đình. Đứa con bé nhỏ của bà bị ốm, đang nằm trên một chiếc giường kê ở góc phòng. Nó lên cơn sốt và đòi ăn cam. Mẹ nó chẳng có gì cho nó ngoài nước lã lấy ở sông về, cho nên nó đang khóc. én ơi, én ơi, én bé nhỏ ơi, em có vui lòng gỡ viên hồng ngọc ở chuôi kiếm của ta rồi mang đến cho bà ấy không? én ạ, chân ta bị gắn chặt vào cái bệ này nên ta không thể cử động được”.
-Người ta đang đợi em bên Ai Cập, ông Hoàng ạ, -én nói.
-Tụi bạn em chúng đang bay xuôi bay ngược dọc sông Nin và đang trò chuyện với các bông hoa sen to mập. Chẳng mấy chốc nữa, chúng sẽ đến ngủ ở ngôi mộ của ông đại vương. ở đấy, bản thân ông ta cũng nằm trong chiếc hòm quét sơn. ông ta được quấn trong vải len màu vàng và được ướp trầm hương. Cổ ông ta đeo một dây chuyền ngọc bích xanh nhạt, và tay ông giống như những chiếc lá héo
-Én, én ơi, én bé nhỏ ơi,
-ông Hoàng nói,
-én có vui lòng nán lại đây một đêm với ta làm điệp sứ cho ta không hở én? Thằng bé nó khát khô cổ, mà bà mẹ thì buồn nẫu ruột.
-Em không nghĩ là em thích cái tụi trẻ con,
-én nói.
-Mùa lũ vừa qua, lúc em đang lưu lại trên bờ sông, có hai thằng bé láo xược, con bác chủ cối xay, lúc nào cũng lấy đá ném em. Dĩ nhiên, đời nào chúng ném trúng được; chúng em bay giỏi, bay xa thế này thì ném như chúng có ăn thua gì, hơn nữa, em thuộc một gia đình nổi tiếng nhanh nhẹn, nhưng như thế chứng tỏ rằng chúng còn vô lễ nữa. Nhưng ông Hoàng hạnh phúc nom buồn bã quá, khiến én lấy làm khổ tâm. Nó nói:
-Ở đây lạnh lắm. Nhưng em sẽ lưu lại với ông một đêm và sẽ làm điệp sứ cho ông.
-Cám ơn én bé nhỏ.
-Ông Hoàng nói. Thế là én tháo viên hồng ngọc to tướng ở chuôi kiếm ông Hoàng ra, rồi mỏ cắp viên ngọc, én bay đi phía trên các mái nhà của thành phố. Nó bay cạnh tháp chuông nhà thờ lớn; ở đó có chạm trổ những thiên thần bằng cẩm thạch. Nó bay cạnh cung điện và nghe âm thanh cuộc khiêu vũ vọng tới. Một cô nàng xinh đẹp bước ra bao lơn với người tình của mình.
-Các vì sao mới kỳ diệu làm sao!
-chàng nói với nàng.
-Và kỳ diệu biết bao, sức mạnh của tình yêu!
-Em mong chiếc áo của em may xong cho kịp với cuộc khiêu vũ nhân dịp Khánh tiết,
-Nàng đáp.
-Em đã bắt phải thêu hoa lạc tiên lên áo, nhưng cái con mụ thợ khâu nó lười nhác quá đi mất! én bay ngang qua sông và nom thấy những đèn treo mắc trên cột buồm các tàu bè. Nó bay ngang qua khu chợ, nom thấy những người Do Thái già đang mặc cả mua bán với nhau, cân tiền trên những chiếc cân đồng. Cuối cùng, nó tới căn nhà tồi tàn và nhìn vào phía trong. Đứa bé đang sốt, ho, còn bà mẹ thì vì mệt lả nên ngủ thiếp đi. én nhảy lò cò vào trong nhà, thả viên hồng ngọc to tướng lên mặt bàn ngay cạnh chiếc đê khâu, rồi nó bay liệng nhẹ nhàng xung quanh giường, lấy đôi cánh phe phẩy vào trán thằng bé.
“Mát ơi là mát!
-thằng bé reo lên.
-Chắc con đã đỡ rồi”. Và nó chìm vào một giấc ngủ mê lá. Thế rồi én bay trở về với ông Hoàng hạnh phúc, kể cho ông nghe nó đã làm những gì.
-Kỳ thật, ông ạ,
-nó nhận xét,
-trời lạnh là thế mà bây giờ em thấy ấm hẳn lên rồi.
-Đó là do em đã làm một việc tốt,
-Ông Hoàng nói. én bắt đầu suy nghĩ và nó cảm thấy buồn ngủ. Bao giờ cũng vậy, cứ hễ suy nghĩ là én ta ngủ. Lúc trời rạng sáng, nó bay xuống sông tắm một chút.
“Thật là một hiện tượng đặc biệt!
-vị giáo sư điểu học nói, khi ông đi qua cầu và nom thấy én.
-Một con én trong mùa đông!”. ông ta bèn viết một bài dài về tin đó cho tờ báo địa phương.
“Đêm nay mình đi Ai Cập”.
-chim én nói. Nó rất hứng chí trước viễn tưởng đó. Nó đi thăm tất cả các lâu đài dinh thự công cộng, đậu một lúc lâu trên nóc tháp chuông nhà thờ. Bất cứ nơi nào nó bay qua, lũ chim sẻ cũng kêu ríu ra ríu rít với nhau:
“Vị khách nước ngoài này mới đặc biệt chứ”. Trong thâm tâm, én ta rất lấy làm thích thú. Lúc mặt trăng lên, nó bay trở về chỗ ông Hoàng hạnh phúc. Nó kêu to:
-Ông có công việc gì cần ủy nhiệm bên Ai Cập không? Em sắp lên đường đây.
-Én, én ơi, én bé nhỏ ơi, -ông Hoàng nói,
-Em không muốn ở lại với ta một đêm nữa sao?
-Người ta đang đợi em bên Ai Cập ông ạ, -én đáp,
-Ngày mai tụi bạn em chúng bay lên phía con thác thứ hai. Tại đấy, lão hà mã đang nằm trong đám lau cói, thần Mem-nơn đang ngồi trên chiếc ngai to lớn bằng đá hoa cương. Suốt đêm ròng rã, thần ngắm nhìn các vì sao, và khi ngôi sao mai chiếu sáng, thần thốt lên một tiếng kêu vui, rồi im bặt. Đến trưa, những bác sư tử lông vàng đi xuống đầu nguồn để uống nước. Chúng có những đôi mắt nom như ngọc xanh, tiếng gầm của chúng to hơn tiếng gầm của thác nước.
-Én, én ơi, én bé nhỏ ơi,
-Ông Hoàng nói,
-Cách xa đây, phía bên kia thành phố, ta trông thấy một chàng trai ở trong một căn gác xép. Chàng đang cúi mình trên một chiếc bàn phủ đầy giấy má. Trong một chiếc cốc ở bên cạnh chàng, có một bó hoa tím đã héo. Tóc chàng màu nâu và quăn tít, đôi môi chàng đỏ như hoa lựu, chàng có đôi mắt to và mơ mộng. Chàng đang cố gắng hoàn thành một vở kịch cho ông giám đốc rạp hát, nhưng chàng rét quá nên không viết thêm được gì. Trong lò sưởi không có lửa, và chàng mệt lả vì đói.
-Em sẽ lui lại một đêm nữa, -én nói, vì thực tình, én tốt lòng tốt dạ.
-Em có phải lấy cho chàng ta một viên hồng ngọc khác không.
-Chao ôi! Giờ thì ta không có hồng ngọc nữa, em ạ. -ông Hoàng nói.
-Tất cả cái gì ta còn lại, chỉ là đôi mắt thôi. Chúng được làm bằng ngọc hiếm, từ ấn Độ đưa về cách đây một ngàn năm. Hãy giật lấy một viên và đưa đến cho chàng. Chàng sẽ đem bán cho người thợ kim hoàn, chàng sẽ mua củi đốt và viết xong vở kịch.
-Ông Hoàng thân mến ơi,
-Én nói.
-Em không thể làm thế này được, ông ạ,
-Và én bắt đầu khóc.
-Én, én ơi, én bé nhỏ ơi, ta bảo sao, em cứ làm vậy đi. Thế là én giật viên ngọc quý ở mắt ông Hoàng ra, bay tới căn gác xép của anh sinh viên. Đi vào đó cũng khá dễ dàng, vì có một lỗ thủng trên mái. én lao vút qua lỗ thủng vào căn phòng. Chàng thanh niên đang vùi đầu vào đôi bàn tay, nên không nghe tiếng cánh chim phần phật. Khi chàng ngước mắt nhìn lên, chàng thấy viên ngọc xinh đẹp nằm trên bó hoa tím héo hắt. Chàng reo lên:
-Bước đầu mình được đánh giá đúng rồi đây! Cái này là do một người nào đó rất hâm mộ mình gửi tặng. Giờ thì mình có thể viết xong vở kịch được rồi. Nom chàng hết sức vui sướng. Ngày hôm sau chim én bay xuống phía cảng. Nó đậu trên cột buồm một chiếc tàu lớn, ngắm nhìn các thủy thủ dùng dây chão kéo những chiếc hòm to ra khỏi hầm tàu. Mỗi khi một chiếc hòm được đưa lên thì họ lại hét to:
“Dô hò dô!”.
“Ta sắp đi sang Ai Cập đây”,
-Chim én kêu rõ to, nhưng chẳng ai chú ý. Khi mặt trăng mọc, chim lại bay trở về với ông Hoàng hạnh phúc. Nó kêu:
-Em đến tạm biệt ông đây.
-Én, én ơi, én bé nhỏ ơi,
-Ông Hoàng nói,
-Em không muốn ở lại với ta một đêm nữa hay sao?
-Mùa đông rồi ông ạ,
-én đáp,
-tuyết lạnh lẽo sắp rơi xuống đây. ở Ai Cập, mặt trời ấm áp chiếu trên những cây cọ xanh tươi, những lão cá sấu nằm dài trong bùn lầy đưa mắt lười nhác nhìn ra xung quanh. Bạn bè em đang xây tổ trên ngôi đền Bân-béc; những con chim câu hồng và trắng đang ngắm nhìn họ vừa hòa tiếng gù với nhau. ông Hoàng thân mến ạ, em phải từ biệt ông, nhưng em sẽ không bao giờ quên ông đâu. Mùa xuân tới, em sẽ mang về cho ông hai viên ngọc xinh đẹp để thay thế những viên mà ông đã cho đi. Viên hồng ngọc sẽ thắm đỏ hơn một đóa hồng đỏ thắm và viên bích ngọc nhất định sẽ xanh như biển cả.
-Trong vườn hoa ở phía dưới kia,
-Ông Hoàng hạnh phúc nói,
-Có một em bé gái bán diêm đang đứng khóc. Em đã để diêm rơi xuống rãnh nước và diêm đã ướt hết; em bé mà không mang về nhà được một ít tiền, bố em sẽ đánh em, cho nên em đang kêu khóc. Em bé không có giày mà cũng không có tất, còn cái đầu bé nhỏ thì trần trụi. Em hãy giật mắt kia của ta ra và đem cho em bé, thế là nó sẽ không bị cha đánh đòn.
-Em sẽ ở lại với ông một đêm nữa, -én nói,
-Nhưng em không thể giật mắt ông ra được đâu, ông Hoàng ạ. Như thế thì ông mù hẳn mất thôi.
-Én, én ơi, én bé nhỏ ơi, ta bảo sao em cứ thế mà làm. Thế là én giật viên ngọc xanh ở con mắt kia của ông Hoàng ra, cắp lấy và bay vút xuống. Nó tới bên em bé bán diêm, buông viên ngọc vào lòng bàn tay em.
“Cái mảnh gương này mới xinh làm sao chứ!”
-Em bé kêu lên, vừa chạy về nhà vừa cười. Thế rồi én bay trở về với ông Hoàng. Nó nói:
-Bây giờ thì ông bị mù mất rồi, vậy thì em sẽ ở lại đây với ông mãi mãi.
-Không, én bé nhỏ ơi, không được đâu; em phải đi sang Ai Cập đi.
-Mãi mãi em sẽ ở lại đây với ông,
-Én nói, rồi én ngủ dưới chân ông Hoàng. Suốt cả ngày hôm sau, én đậu trên vai ông Hoàng, kể cho ông nghe những câu chuyện về những gì én đã thấy ở các xứ xa lạ. én kể cho ông nghe về những con cò quăm đứng thành hàng dài trên đôi bờ sông Nin; mỏ cắp những con cá vàng; én kể về ông nhân sư, cũng già nua như chính thế giới vậy, ông sống trong sa mạc mà cái gì cũng biết; én nói về những người lái buôn đi thủng thẳng bên cạnh những con lạc đà, tay cầm những hạt hổ phách; về ông vua của vùng núi Mặt Trăng, ông ta cũng đen ngang gỗ mun, ông thờ phụng một viên pha lê to tướng; én nói đến con trăn màu xanh lục nằm ngủ trong một cây cọ, có hai mươi thầy tu đem bánh mật ong đến cho nó ăn; về những người tí hon bơi thuyền qua một hồ rộng trên những chiếc lá dẹt to bản, và họ luôn luôn gây chiến với những lũ bướm.
-Én bé bỏng thân mến ơi.- ông Hoàng nói,
-Em đã kể cho ta nghe những điều kỳ diệu, nhưng kỳ diệu hơn hết thảy, đó là nỗi khổ đau của con người, đàn ông cũng như đàn bà. Không có bí mật nào lớn lao bằng nỗi cơ hàn. én bé nhỏ ạ, em hãy bay trên thành phố của ta và kể cho ta nghe em thấy những gì ở đấy. Thế là chim én bay khắp thành phố lớn, nó thấy người giàu đang vui chơi trong những ngôi nhà đẹp đẽ trong khi những người ăn xin đang ngồi ngoài cổng. Nó bay vào những ngõ hẻm tối tăm, nom thấy những khuôn mặt trắng bệch của những đứa trẻ chịu đói rét đang lờ phờ nhìn ra ngoài đường phố. Phía dưới gầm một chiếc cầu có hai thằng bé đang nằm ôm chặt lấy nhau để cố gắng giữ mình cho được ấm. Chúng nói:
“Chúng mình đói quá đi mất”.
-Chúng mày không được nằm ở đây!
-người gác cầu quát. Thế là chúng bước ra, đi lang thang trong mưa lạnh.
Thế rồi chim bay trở về, kể cho ông Hoàng nghe những điều chim đã thấy. ông Hoàng nói:
-Mình ta phủ đầy vàng nguyên chất, em hãy gỡ nó ra, từng lá từng lá một, rồi đem đến cho người nghèo của ta; chúng sinh bao giờ cũng nghĩ rằng vàng có thể khiến cho họ sung sướng. Cứ từng lá, từng lá một, vàng nguyên chất được chim én gỡ ra cho tới lúc ông Hoàng hạnh phúc nom mờ đục và xám xịt hẳn. Hết lá này đến lá khác vàng nguyên chất chim đem đến cho người nghèo. Khuôn mặt của bọn trẻ con trở nên hồng hào hơn, chúng cười và chơi đùa trên đường phố. Chúng reo to:
“Bây giờ chúng mình có bánh ăn rồi”. Rồi tuyết đến và đi theo tuyết là băng giá. Các đường phố nom như thể dát bạc, lấp lánh và sáng lóa mắt; những thỏi băng dài nom giống những thanh kiếm pha lê buông thõng xuống từ những mái hiên các ngôi nhà; người qua lại khoác những chiếc áo lót lông thú, bọn trẻ con đội mũ đỏ đang chơi trượt băng. Chim én bé nhỏ tội nghiệp ngày càng thấy lạnh hơn, nhưng nó không muốn rời bỏ ông Hoàng vì nó yêu ông Hoàng quá đỗi. Nó nhặt những vụn bánh phía ngoài cửa hàng bán bánh, khi ông chủ không trông chừng tới, và nó đập đập đôi cánh để cố giữ cho mình được ấm. Nhưng cuối cùng nó biết nó sắp chết. Nó chỉ còn vừa vặn đủ sức để bay lên đậu trên vai ông Hoàng một lần nữa.
-Tạm biệt ông, ông Hoàng thân mến ạ,
-Nó thì thầm.
-Ông vui lòng để em hôn tay ông chứ?
-Rốt cuộc thì em cũng đi sang Ai Cập, ta bằng lòng lắm, én bé nhỏ ạ,
-ông Hoàng nói.
-Em đã nán lại đây quá lâu rồi, nhưng em phải hôn lên môi ta kia, vì ta yêu em.
-Không phải em đi sang Ai Cập đâu, ông ạ. Em đi tới ngôi nhà của Thần Chết. Chết với Ngủ là anh em, có phải không ạ? én hôn lên môi ông Hoàng sung sướng và rơi xuống chết dưới bàn chân ông. Ngay lúc đó một tiếng “rắc” kỳ lạ vang lên bên trong pho tượng, như thể có vật gì đã bị vỡ. Sự thật là trái tim bằng chì của ông Hoàng đã bị tách đúng làm hai mảnh. Tảng sáng ngày hôm sau, ông thị trưởng đi dạo dưới công viên cùng với các vị ủy viên Hội đồng thành phố. Lúc họ đi tới cái bệ, ông thị trưởng ngước nhìn lên pho tượng.
-Trời! ông Hoàng sung sướng nom sao mà tiều tụy thế kia!
-Quả có tiều tụy thật!
-Các ông ủy viên Hội đồng thành phố cũng kêu lên. Bao giờ họ cũng phụ họa với ông thị trưởng. Nói xong, họ bước lên để tận mắt nhìn pho tượng. ông thị trưởng nói:
-Viên hồng ngọc đã rơi khỏi chuôi kiếm của ông ta, đôi mắt cũng đã mất, ông ta đâu có bằng vàng nữa. Thật tình, ông ta chả hơn một thằng ăn mày mấy tí.
-Chả hơn thằng ăn mày mấy tí,
-Các ông ủy viên Hội đồng thành phố lắp lại.
-Mà đây, hiện có một con chim chết ở chân ông ta,
-Ông thị trưởng tiếp tục.
-Chúng ta phải thực sự ban bố một tuyên cáo rằng chim chóc không được phép chết tại đây. Và viên thư ký Hội đồng thành phố ghi vào sổ lời gợi ý đó. Thế rồi người ta xô đổ pho tượng ông Hoàng hạnh phúc. Vị giáo sư nghệ thuật tại trường Đại học tổng hợp phát biểu:
“Bởi lẽ ông ta không còn đẹp nữa, cho nên ông ta cũng hết có ích”. Sau đó người ta đem pho tượng nung chảy trong lò nung. ông thị trưởng tổ chức một cuộc họp để quyết định xem phải làm gì với thứ kim loại đó. ông nói:
-Chúng ta phải có một pho tượng khác, cái đó thì đã hẳn, và phải là tượng của chính tôi.
-Của chính tôi,
-mỗi vị ủy viên Hội đồng thành phố đều nói như vậy. Rồi họ cãi cọ nhau. Lần cuối cùng khi tôi nghe họ nói, họ vẫn đang còn lời qua tiếng lại.
-Gì mà lạ lùng chưa này!
-viên đốc công xưởng đúc nói.- Cái trái tim bằng chì bị vỡ này bỏ vào lò nung mà không chịu chảy cho. Phải vứt nó đi thôi.- Và họ quẳng nó lên một đống rác, ở đó có xác con chim chết. Chúa truyền bảo một trong những vị thiên thần của Chúa rằng:
“Ngươi hãy đem cho ta hai vật quý báu nhất trong thành phố”. Thiên thần liền mang về cho Người trái tim bằng chì và con chim chết. Chúa phán bảo:
“Ngươi đã chọn đúng. Trong vườn Lạc uyển của ta, con chim bé nhỏ này sẽ đời đời ca hót, và trong thành phố bằng vàng của ta, ông Hoàng hạnh phúc sẽ dâng lời tán tụng lên ta”.
 (còn tiếp)
Read more…