Sự Tích Hoa Phượng - Truyện Thiếu nhi

11:33 PM |

Sự Tích Hoa Phượng

Sự Tích Hoa Phượng - Truyện Thiếu nhi
Ngày xưa, xưa lắm, ở một vùng đất đồi kia, có một ông thầy dạy võ nổi tiếng về tài đánh kiếm. Vợ ông chết sớm, ông thương vợ, không lấy ai nữa nên ông không có con. Ông đi xin năm người con trai mồ côi ở trong vùng về làm con nuôi. Ngoài những giờ luyện võ, ông lại cho năm người đi học chữ, vì ông muốn năm người cùng giỏi võ, giỏi văn.
Tuổi năm người con xấp xỉ ngang nhau. Năm ấy, họ chỉ mới mười ba, mười bốn... Người nào học cũng khá và tài múa kiếm thì nổi tiếng khắp vùng. Ai cũng dễ nhận được họ vì ông sắm cho năm người năm bộ quần áo màu đỏ, để mặc ra đường. Thương bố nuôi nên năm người con rất biết nhường nhịn nhau và yêu quý mọi người trong làng... Năm ấy trong nước có loạn. Giặc ngoài kéo vào. Nhà cháy, người chết. Tiếng kêu khóc và lòng oán giận cứ lan dần, lớn dần. Đâu cũng đồn tên tướng giặc có sức khỏe kỳ lạ. Chỉ cần đạp nhẹ một cái cũng làm bật gốc được một thân cây to. Hắn lại sử dụng một cây thương dài và nặng, đâm chết từng xâu người một cách dễ dàng. Mọi người còn đồn thêm rằng hắn sở dĩ khỏe như vậy là vì hắn thích ăn thịt sống và đặc biệt hơn nữa là chỉ thích ăn toàn xôi gấc chứ không thích ăn cơm, mỗi lần hắn ăn hàng chục cân thịt cùng với một nong xôi gấc lớn. Người thầy dạy võ ở vùng đất đồi nọ định xin vua đi đánh giặc thì ngã ra ốm. Tay chân ông bị co quắp cả lại. Cụ lang giỏi nhất vùng đến xem bệnh và chỉ biết là ông uống phải thuốc độc. Ai cũng nghi tên tướng giặc đã ngầm cho những kẻ chân tay của hắn đi tìm giết trước những người tài giỏi trong nước. Người thầy dạy võ vừa uống thuốc, vừa ngày đêm ra sức tập luyện để tay chân mình lại cử động được như xưa. Một buổi sáng, tên tướng giặc bất thình lình phóng ngựa, dẫn quân lính của hắn kéo ập vào làng.
Hắn thấy ông thầy dạy võ đang lấy chân đạp vào một gốc cây sung to. Cây sung lúc đầu bị rung khe khẽ, rồi mỗi lúc rung một mạnh hơn. Sau đó, ông nhấc một cái cối đá to đưa lên, đưa xuống, vẻ còn mệt nhọc. Tên tướng giặc cười phá lên rồi xuống ngựa giơ chân đạp nhẹ vào thân cây sung. Thế là cây sung bị gãy ngang và ào ào đổ xuống. Hắn lại nhẹ nhàng đưa một tay tóm lấy cái cối đá ném vứt đi, như ta ném một hòn gạch con và cho rơi ùm xuống cái ao lớn gần đấy. Hắn gọi mấy tên quân đến trói chặt ông thầy dạy võ lại rồi bảo:
-Tao nghe mày muốn đi đánh tao phải không? Bây giờ thì mạng mày nằm trong tay tao rồi! Muốn sống thì hãy giết một con bò tơ, lọc năm mươi cân thịt ngon nhất, nấu một nong xôi gấc rồi mang đến chỗ ta đóng quân ở trên ngọn đồi giữa làng. Phải đội trên đầu mà đi chứ không được gánh. Đi luôn một mạch, không được dừng lại hay đặt xuống nghỉ. Đội thịt đến trước! Đội xôi đến sau!
Nói xong hắn ra lệnh cởi trói cho ông. người thầy dạy võ giận tím ruột, tím gan nhưng chẳng nói gì. Lúc ấy năm người con đang đi vắng, họ phải đi học chữ xa làng và lại sắp đến mùa thi. Không ai dám rời cái bút cái nghiên. Nhưng vừa nghe tin giặc kéo đến làng, họ lập tức đeo gươm vào người mà xin thầy cho về. Về đến nhà, nghe bố kể chuyện lại, năm người con nổi giận muốn chạy đi tìm tên tướng giặc hung ác để giết ngay. Người bố liền khuyên:
-Không được! Lúc nào quân lính của hắn cũng vây quanh, khó mà đến gần. Ngọn thương của hắn lại có thể đâm chết người từ rất xa. Các con cứ bình tĩnh, ta đã có cách khử nó! Người cha đi vay tiền mua một con bò tơ, mổ thịt rồi lọc lấy năm mươi cân thịt ngon nhất để vào một cái nia to. Ông lại đi vay ba gánh nếp trắng, đi xin ba chục quả gấc đỏ, nấu một chục nồi xôi thật dẻo. Ông đội nia thịt bò tơ đến trước. Chân ông còn đau, năm mươi cân thịt đội trên đầu không phải là nhẹ. Ông đội nia đi, mồ hôi vã ra đầy trán. Tên tướng giặc thấy ông đội thịt đến, mồm cứ nuốt nước bọt ừng ực. Hết nuốt nước bọt ừng ực, hắn lại khoái trá cười to. Còn người đội thịt thì bấm ruột chịu đựng và nghĩ thầm: "Cho mày cứ cười rồi mày sẽ biết..." Tên tướng giặc cười nhận thịt xong quát to lên và giục:
-Còn nong xôi nữa, mày về đội đến đây ngay! Người thày dạy võ lại về đội nong xôi đến. Nong xôi to và nặng hơn nia thịt nhiều. Nhưng xôi nấu ngon và nhìn đẹp quá. Ông đội nong xôi đi đến đâu, ở đó cứ thơm lừng. Mới đi được nửa đường, mồ hôi ông đã vã ra đầy mặt, đầy người. Đôi chân ông mỗi lúc một yếu, cứ run lẩy bẩy. Cái cổ cứ như muốn gãy gập lại. ông vẫn bặm môi, cắn răng và bắt đầu leo lên đồi. Tuy mệt lử nhưng đôi mắt ông sáng quắc và lòng ông rất vui. Ông tự nhủ: "Gắng lên! Chỉ cần một lúc nữa, một lúc nữa..." Tên tướng giặc ngồi trên cao theo dõi, vừa hả dạ, vừa lo lắng. Hắn nghĩ: "Thằng này không bị thuốc độc của ta thì khó mà trị được nó. Mà ngay bây giờ, hắn vẫn là một tay đáng sợ". Cái nong xôi gấc to lớn, thơm lừng vẫn lù lù tiến lên đồi. Mặt người đội xôi tái hẳn lại. Chỉ có đôi mắt. Đôi mắt vẫn sáng quắc. Nong xôi có lúc lảo đảo, ngả nghiêng, nhưng liền đó lại gượng lại, rồi nhích dần lên. Tên tướng giặc vội giật lấy thanh gươm của tên lính hầu rồi đứng phắt dậy, phóng gươm đi. Đường gươm sáng rực lên như một tia chớp, cắm vào bụng người thầy dạy võ làm ông chực gục xuống. Nhưng ông đã gượng đứng thẳng lên và đưa tay rút lưỡi gươm ra, phóng lại vào ngực kẻ thù. Tên giặc tránh được.
Bỗng từ trong nong xôi, năm người con nằm quây tròn được xôi phủ kín, đã vung kiếm nhảy ra và như năm làn chớp đâm phập cả vào ngực tên giặc ác. Tên tướng giặc không chống đỡ kịp, rú lên một tiếng rung cả ngọn đồi rồi ngã vật xuống. Thấy tướng đã chết, bọn lính giặc hoảng quá, kéo nhau chạy bán sống bán chết. Dẹp giặc xong, năm người con trai trở về ôm lấy xác người bố nuôi khóc vật vã mấy ngày liền. Cả làng cùng năm người con lo chuyện chôn cất rất chu đáo. Dân làng mỗi người một nắm đất đắp cho ngôi mộ ông thày cao lên. Thương bố nuôi, năm người con lại trồng quanh khu mộ năm gốc cây con, một giống cây có lá đẹp như thêu và có nhiều bóng mát. Hàng năm, đến ngày giỗ bố, họ lại đem áo đỏ ra mặc. Họ nhớ tiếc người thầy dạy võ đã có công giết giặc cứu dân. Đến lúc năm người lần lượt chết đi thì năm cái cây họ trồng quanh khu mộ người bố cũng lần lượt ra hoa màu đỏ thắm, đúng vào ngày giỗ người thầy dạy võ. Hoa đỏ như muốn nói với mọi người rằng: tuy chết đi, nhưng năm người con vẫn yêu thương người bố nuôi và hàng năm đến mùa giỗ bố, họ lại mặc áo đỏ để tưởng nhớ người đã khuất... Hoa có năm cánh đỏ rực và nhìn cả cây hoa nở rộ, người ta thấy giống như một mâm xôi gấc. Cái mâm xôi ngày nào người bố đã giấu năm người con trong đó và đội đi giết giặc. Đó là cây hoa Phượng ngày nay. Mỗi năm, khi mùa Hè đến, mùa thi đến, hoa Phượng lại nở đỏ đầy cây, đầy trời. Khi mùa Hè qua, trên khắp các cành cây, người ta lại thấy hiện ra những quả Phượng dài như những thanh gươm của năm người con trai ngày trước...
Read more…

Tranh công

11:29 PM |

Tranh công

Tranh công -truyen thieu nhi hay
Nhân lúc ông chủ đang ngon giấc, các cơ quan tranh luận với nhau. Miệng lên tiếng trước tiên:

- Ta là vật quan trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của ông chủ! Vì có ta thốt nên những lời hoa mỹ, ngọt ngào làm cho ông càng thêm lịch lãm, bặt thiệp. Đã thế, nhờ ta, ông mới được ăn những món ngon, bổ, đủ dưỡng chất để cơ thể ngày thêm khỏe mạnh, sống thọ.

Tay chân đỡ lời:

- Chưa hẳn thế đâu bạn! Nếu không nhờ chúng tôi lao động cật lực, chạy đôn chạy đáo kiếm tiền chắc gì anh đã sung sướng được như vậy. Chẳng lẽ anh chẳng biết câu: " Tay làm hàm nhai, tay quay miệng trễ ” hay sao?!

Tự nãy giờ từ trên cao, não chứng kiến hết sự việc và đưa ra nhận định sau cùng tổng hợp nhất:

- Xem ra các anh đều có lý đúng, nhưng chưa thật hoàn chỉnh! Chính tôi mới là mấu chốt vấn đề. Tôi điều khiển mọi hoạt động ăn uống, làm việc mà cao nhất đó là tư duy, sự suy nghĩ tích cực. Từ đó, ông chủ mới làm ra được toàn bộ của cải vật chất và xây dựng được tương lai sự nghiệp rỡ ràng trên một nền tảng đạo đức, nhân nghĩa…

Bấy giờ, miệng và tay chân xem chừng thấm ý nên không còn tranh cãi chi nữa.

Thế mới biết ý thức là yếu tố quyết định then chốt trên cả vật chất và thực thể.
Read more…

Hai Cô Gái Và Hai Cục Bướu - Truyện Cổ Tích

11:25 PM |
Hai Cô Gái Và Hai Cục Bướu - Truyen thieu nhi -Truyện Cổ Tích

Hai Cô Gái Và Hai Cục Bướu - Truyện Cổ Tích

Xưa có một cô gái con nhà nghèo khó, không may cho cô là khi sinh ra đã mang một cục bướu ở mặt. Người càng lớn, cục bướu càng to, vì vậy nhan sắc của cô thua em kém chị. Tuy nhiên cô gái không lấy thế làm buồn, suốt ngày vẫn thường vui đùa ca hát.
Một buổi trưa hè, cô theo bạn lên rừng kiếm củi. Vì mải mê tìm nấm, cô vui chân quá bước vào rừng sâu, quên bẵng mất trời đã về chiều và mây thì đang kéo tới mỗi lúc một đen sầm, báo hiệu một cơn dông sắp tới. Quả nhiên khi cô định trở về để gặp chúng bạn thì không kịp nữa. Gió thổi mạnh làm cây rừng xào xạc, cành khô gãy răng rắc, những giọt mưa hắt vào mặt. Bất đắc dĩ cô phải tìm chỗ ẩn. May làm sao cô chạy kịp đến một gốc cây cổ thụ, thu mình chui vào một cái hốc để tránh mưa. Nhưng đến lúc mưa tạnh bước ra khỏi hốc thì trời cũng đã tối mịt. "Các bạn ta bây giờ chắc đã rủ nhau về cả. Đường rừng lại tối đi một mình thật là đáng sợ. Thôi đành ở đây đợi sáng, không còn cách nào khác". Nghĩ vậy, cô dọn lại chỗ hốc sạch sẽ rồi lách mình vào đó nằm nghỉ, không quên đặt bó củi chắn cửa để đề phòng thú dữ.
Đến khuya, có những tiếng hát, tiếng cười và tiếng đàn sáo làm cho cô tỉnh giấc. Cô nhìn ra thấy trăng sáng như ban ngày. Ở một bãi đất bằng phẳng phía bên kia gốc cổ thụ có một đám người đang múa hát vui vẻ. Cô bước ra khỏi hốc. Thoạt đầu cô cứ ngỡ là một đám người đi rừng nào đó lên đây sớm ngồi đợi trời sáng nên bày ra múa hát mua vui. Nhưng khi nhìn kỹ thì hoá ra không phải. Đó là những người hình dung dị thường, ăn mặc khác lạ, có những bộ mặt đen đúa đầy lông lá gớm ghiếc. Cô gái bụng bảo dạ: "Đúng là một bọn quỷ", và cô bỗng rùng mình, nhưng rồi cô liền đánh bạo bước lại nấp sau cây cổ thụ rình xem. Bọn quỷ vẫn múa hát không biết có người đang rình mình. Giọng hát của chúng không hay nhưng thật là vui làm cho cô vui lây. Cho nên cô cũng lẩm bẩm hát theo bằng một giọng nho nhỏ trong cổ họng. Dần dần hứng lên, tự nhiên cô cất cao giọng, quên bẵng là mình đang nấp.
Nghe tiếng hát, bọn quỷ bỗng im bặt. Rồi cả bọn ùa nhau đến gốc cây. Một đứa nói:
- Hà hà, khá quá! Ra đây, ra đây, ta cùng hát cho vui.
Rồi chúng dắt cô ra bãi, bảo cô hát tiếp. Cô lấy can đảm hát lại bài hát vừa rồi. Giọng cô rất ngọt làm cho bọn quỷ phải lắng nghe. Xong một bài, chúng tấm tắc khen ngợi rồi nhảy múa thích thú. Chúng lại đưa những quả sim, quả ổi mời cô ăn. Ăn xong, lại bảo cô hát tiếp, rồi chúng còn lần lượt đàn hát và nhảy nhót suốt đêm.
Tiếng gà rừng gáy buộc bọn quỷ phải ngừng cuộc vui. Một đứa bảo:
- Cô hát hay quá! Tối mai đến đây hát nữa nhá!
Cô gái đáp:
- Cái đó thì cũng còn tùy.
Nó kêu lên:
- Ấy, còn tùy thế nào? Chúng mày ơi! Ngộ tối mai cô ấy không đến thì sao?
Một đứa chỉ vào cái bướu:
- Ta hãy giữ lấy cái này, chắc là của quý. Mai cô đến đây mà lấy nhé!
Nói xong phẩy tay một cái, rồi cả lũ biến đi lúc nào không hay.
Sáng hôm sau cô gái ra về, lòng mừng khấp khởi. Cục bướu đã được bọn quỷ lấy đi một cách thần diệu, làm cho cô trở nên nhẹ nhõm. Gặp ai cô cũng kể chuyện tối hôm trước cho họ nghe. Chẳng mấy chốc, tiếng đồn đã lan khắp đầu đường xó chợ. Một cô gái con nhà phú ông ở làng bên cạnh cũng không may mang một cục bướu trên mặt, khi nghe câu chuyện, cô này vội vàng đến gặp cô kia xin chỉ chỗ cho mình đi thay, hy vọng nhờ lũ quỷ nhổ cho cái bướu xấu xí trên mặt. Cuối cùng, cô gái nhà phú hộ cũng tìm được đến gốc cây cổ thụ nọ và nấp sẵn trong hốc cây. Nửa đêm, bọn quỷ hiện ra dưới ánh trăng. Chúng tìm đến chỗ cô gái nấp:
- Nào, cô hãy xuống hát với chúng tôi đi!
Vốn quen thói gắt gỏng, lại thấy những cánh tay lông lá giơ ra kéo lấy áo, cô vội gạt đi:
- Buông ra đã nào, tránh để cho tôi xuống. Ôi, kinh tởm!
Rồi cô cũng nhảy xuống khỏi hốc, nhưng vẫn tỏ vẻ sợ hãi, gớm ghiếc, không dám lại gần lũ quỷ. Cô để cho chúng giục hai ba lần mới cất giọng hát, song nét mặt thì không được vui. Giọng của cô cũng vì thế mà mất tự nhiên. Mỗi lần cô cố gắng cất cao thì giọng lại the thé, nghe chẳng hay ho gì. Cô mới hát được một bài, bọn quỷ đã tỏ ý không hài lòng! Một đứa nói:
- Hôm qua hát hay thế, sao bây giờ thì chán ngắt! Thôi cô về đi cho rảnh.
Cả lũ quỷ đồng thanh:
- Phải đấy, về đi!
Tiếng đuổi của lũ quỷ nhao nhao làm cho cô gái phật ý, quay lưng trở lui. Nhưng mới đi được mấy bước, cô đã nghe có tiếng chạy theo: Này cô kia, trả lại cô cái làm tin hôm qua.
Cô vừa ngoảnh lại thì thấy có vật gì mềm nhũn văng vào má. Sờ tay vào mới biết bây giờ không phải là một mà có tới hai cục bướu.


Hết
Read more…

Lý sự Sinh Viên

3:47 PM |





truyện cười sinh viên
Trong giờ sử, giảng viên hỏi Jack:

- Em hãy cho biết trận Waterlo, người Pháp hay người Anh thắng trận? - Thưa cô, em có xem trận này trên tivi… nhưng lúc có kết quả cuối cùng của trận đấu thì điện cúp đột xuất ạ!
o O o

Giờ vật lý, giảng viên nói với Ted:

- Em hãy nhắc lại cho toàn lớp nhớ về tốc độ của âm thanh?

- Thưa thầy, em không chắc lắm, vì thính giác của em đang có vấn đề ạ.
o O o

Giáo sư hỏi một sinh viên:

- Phản ứng dây chuyền là gì?

- Thưa giáo sư, giống như khi ta bơi theo để bắt một con cá chép thì phía sau có một con cá sấu đang đuổi theo ta...
o O o

Một giáo sư nói với một sinh viên ngủ gật trong lớp:

- Anh không thấy bất tiện khi tôi đang giảng bài mà anh ngủ gật sao?

- Thưa giáo sư, không có gì, xin giáo sư cứ giảng tự nhiên ạ!

o O o


Thầy giáo điểm danh: A, có không?

Dưới lớp: Dạ...

Thầy tiếp: B, có không?

Dưới lớp: Vâng...

Thầy tiếp: C, có không?

Dưới lớp: Thưa có!

Thầy nhấc kiếng: Ủa, lớp này thưa mỗi em một kiểu ha!

Dưới lớp: Dạ, để thầy hổng phát hiện ra cùng một đứa thưa đó thầy!
Read more…

Ba giỏ khoai lang

1:42 PM |

Ba giỏ khoai lang

truyen thieu nhi - ba gio khoai lang


Ngày xưa, có một lần Gấu, Thỏ và Khỉ rủ nhau cùng tới thăm nhà bác Dê. Trước khi về, bác Dê bảo chúng: “Ðây là ba giỏ khoai lang, mỗi cháu mang về một giỏ. Bằng giờ sang năm, đưa lại cho bác số khoai lang cũng như thế. Ðược không?”
Gấu thích quá, liền nói: “Cám ơn bác”. Rồi xách giỏ chạy theo Thỏ và Khỉ.
Về tới nhà, chúng mới sực nghĩ tới lời bác Dê dặn: làm thế nào đây?
Gấu nghĩ: “Sang năm nghĩa là còn sớm chán. ăn đã rồi sẽ tính”. Thế là nó ăn luôn một lúc, hết nửa giỏ khoai.
Thỏ nghĩ: “Dê yếu rồi, sợ gì ông ta, sang năm hãy tính”
Còn Khỉ thì sao?. Nó chọn ra mấy củ khoai to cất đi…
Ngày hôm sau, Gấu gặp Khỉ, hỏi:
- Anh đã ăn hết khoai chưa?
- Ăn một ít, còn giữ lại cũng không ít.
- Giữ lại để làm gì?. Ðể cho Chuột ăn à?
- Không! Ðể trồng mà. Sang năm vào mùa Xuân thì đem trồng, đến mùa Thu thì sẽ thu hoạch. Sẽ có bao nhiêu là khoai để đem trả bác Dê, còn lại thì để ăn.
Nghe Khỉ nói. Gấu hiểu ra: Khỉ làm như thế là đúng. May quá là mình hãy còn lại ba củ, phải giữ lại để làm giống mới được.
Mấy ngày sau, Gấu lại lôi khoai ra xem. Gấu thèm rỏ dãi, nghĩ: “Làm giống thì cần gì tới ba củ?. Hai cũng được”. Nghĩ tới đó, nó há to mồm ăn luôn một củ.

Mùa Đông tới, gió vù vù thổi, bụng Gấu cũng sôi réo lên. “Kiếm cái gì nhét đầy vào cái dạ dày đây?”. Nó lại nghĩ tới khoai: “Ðể giống cần gì tới hai củ? Một không đủ hay sao?”. Thế là nó lại ăn một củ.

Mùa Xuân tới rồi. Gấu tỉnh giấc, nhìn thấy Ong đang hút nhuỵ hoa, chim Yến đang xây tổ, Khỉ con đang cày ruộng. Nó nghĩ tới củ khoai để giống, bèn đào một cái hố trước cửa nhà, đem củ khoai vùi vào đó.

Mấy ngày sau, chẳng thấy động tĩnh gì, Gấu bới đất lên xem, củ khoai vẫn đang ngủ ở đó. Nhìn củ khoai, Gấu nghĩ: “Củ khoai đẹp như thế mà phải vùi vào đất, phí quá! Chuột mà biết sẽ lấy trộm. Chuột không lấy trộm đi thì cho dù khoai có mọc mầm, côn trùng cũng gặm chết nó. Côn trùng nếu không gặm thì mưa to cũng dìm ngập. Nếu không ngập mà chết, khoai lớn lên thì Chuột này, Chó con này, Hươu này… cũng lại đào… Hay là bây giờ đặt nó vào dạ dày là chắc nhất”. Nghĩ tới đó, Gấu liền xơi ngay củ khoai.

Mùa Thu tới, Gấu mang cái gì để trả cho bác Dê? Trong cái giỏ của nó, trừ mạng nhện ra, chẳng có cái gì. Gấu đi tìm Thỏ con, Thỏ con mang giỏ lại. Ôi, chả có lấy một củ. Cả hai đi tới nhà Khỉ. Vừa vào nhà đã thấy khoai mới dỡ chất đầy nhà. Khỉ thấy các bạn tới, vui quá. Nó mời Thỏ và Gấu ăn khoai thoả thích lại còn cho đầy khoai vào hai thúng lớn tặng chúng.
Khỉ, Gấu, Thỏ mang ba giỏ khoai đầy đi gặp bác Dê

Bác Dê cười vang:

- Các cháu ngoan! Các cháu đã ngoan lắm! Bác đâu cần các cháu trả lại bác. Bác muốn xem ai biết suy nghĩ, ai biết lao động. Thôi, bác cám ơn, nhưng các cháu mang khoai về đi nhé!. Cả ba cháu đều là những đứa trẻ ngoan.

Gấu, Thỏ nghe thế, mặt đỏ tía lên.


Read more…

CHÚ BÉ VÀ CON SÒ NHỎ

11:25 AM |

truyen thieu nhi- chu be va con so nho


Ở ngôi làng kia có một chú bé tuổi độ 16. Chú là một chú bé thông minh, tốt bụng, có những suy nghĩ khá sâu sắc so với lứa tuổi của chú. Thế nhưng, chú lại thiếu lòng tin và hay buồn rầu, chú luôn cảm thấy mình thiếu bạn...

Một ngày kia, như thường lệ, chú lại cảm thấy buồn chán và không có chuyện gì làm, chú lang thang một mình dọc theo bờ biển, lẩm bẩm tự than với mình:

- Chán quá đi... Ta buồn chẳng hiểu vì sao ta buồn? Chẳng có ai hiểu ta! Chẳng có ai làm bạn với ta và thật sự coi ta là bạn...!!!

Vô tình chú giẫm phải vật gì đó dưới chân. Cuối xuống xem, chú thấy đó là một con sò nhỏ có lớp vỏ rất đẹp với nhiều màu sắc. Chú thờ ơ bỏ nó vào túi dự định đem về nhà chơi và định đi tiếp. Thình lình, con sò bỗng cất tiếng nói :

-Bạn ơi... Hãy thả tôi về với biển... Hãy giúp tôi trở về với nơi sinh ra mình... Có thể tôi không có gì để tặng lại bạn, nhưng tôi sẽ cho bạn một lời khuyên!

Cậu bé vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi, lại vừa thích thú. Nhìn con sò, cậu nói:

- Được thôi, ta sẽ thả bạn về với biển khơi, nhưng... hãy cho ta một lời khuyện trước đi... Ta đang buồn chán vì không có bạn bè đây!

Con sò cất tiếng trả lời bằng một giọng nói chậm rãi, nhẹ nhàng:

- Bạn hãy nhìn những hạt cát dưới chân bạn và nắm một nắm cát đầy đi. Bạn biết không, nắm cát trong lòng bàn tay của bạn cũng giống như bạn bè của bạn vậy. Những hạt cát quá xa lòng bàn tay bạn sẽ theo kẻ hở giữa những ngón tay bạn mà rơi ra ngoài. Nếu bạn càng siết chặt bàn tay thì chúng càng rơi ra nhiều hơn. Chỉ có những hạt cát nằm giữa lòng bàn tay bạn, được giữ chặt trong đó mới còn lại mà thôi. Đó chính là những người bạn thân thiết mà chúng ta thật sự cần, những người bạn này sẽ ở lại với ta dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Nhưng, bạn thấy đó, những hạt cát này rất ít và dễ dàng rơi ra nếu ta không biết giữ gìn. Hãy đem chúng về và ngâm trong những vỉ màu đẹp nhất. Hãy giữ gìn và nâng niu chúng bằng tình cảm của mình. Chúng sẽ ở bên cạnh bạn và không rời xa đâu. Tôi chỉ có thể khuyên bạn như vậy thôi...

Chú bé im lặng, thả con sò về lại với lòng biển xanh bao la mà không nói lời nào... Chú còn mải suy nghĩ về những điều con sò nhỏ nói.
Read more…

BÀ CHÚA NGỌC

11:11 AM |

truyen thieu nhi - Bà chúa ngọc


Ngày xưa, ở xã Đại An gần cù lao Huân tỉnh Khánh Hòa có một đôi vợ chồng già không có con cái. Ông bà ở trong một căn nhà lá dựng bên vách núi, làm nghề trồng dưa. Năm ấy, đến độ dưa chín, sáng nào ra ruộng thăm, ông bà cũng thấy dưa bị hái trộm. Lạ một điều, chỉ có một quả dưa lớn nhất đẹp nhất là bị hái, nhưng kẻ trộm không ăn mà cũng chẳng mang đi. Quả dưa còn nằm ở một chỗ trống, nhưng bưng lên đã thấy bị nẫu.

Thấy sự lạ, hai ông bà bèn bàn nhau cất công để ý rình. Rồi một đêm trăng sáng, họ đến nấp vào một bụi cây cạnh ruộng. Gần đến nửa đêm, bỗng đâu có cô gái trạc độ mười ba mười bốn tuổi tự nhiên hiện ra ở giữa ruộng dưa. Cô gái rón rén đi, nhìn ngắm từng quả dưa một, rồi sau đó, hình như đã chọn được quả ưng ý nhất thì cúi xuống hái lên. Cô ngắm đi ngắm lại mãi, rồi tìm ra một chỗ trống, tung quả dưa từ tay bên này sang tay bên kia, và cứ như thế, một lúc lâu, sau lại ôm lấy quả dưa mà ngắm nghía mãi không biết chán…

Đúng lúc ấy, từ chỗ nấp, hai ông bà chạy ùa cả ra, nắm ngay lấy tay cô gái. Còn cô gái, tuy không chạy trốn kịp nhưng cũng chẳng tỏ ra có chút gì sợ hãi. Cô trả cho họ quả dưa, và khi được hỏi thì cô lễ phép trả lời: Cô là con nhà nghèo không còn cả cha lẫn mẹ, nhà cô ở cách đây rất xa và cô cũng chẳng nhớ được quê mình ở đâu nữa…

Thấy cô gái dễ thương, lại nghĩ mình không có con cái, nên ông bà bàn nhau nhận cô về làm con nuôi, rồi cả hai cùng nói với cô gái…

Còn cô gái, thấy cử chỉ, lời lẽ của hai ông bà đều chân thành thì cô im lặng lắng nghe và suy nghĩ, rồi sau đó nhận lời.

Cô theo họ về nhà. Sáng hôm sau, hai ông bà sửa lễ gia tiên, rồi hai bên chính thức nhận nhau là bố mẹ và con cáịî. Từ đấy trong ngôi nhà của họ, không khí vui vẻ đầm ấm hẳn lên. Hai ông bà hết lòng yêu thương chăm sóc cô, còn cô thì cũng rất mực yêu thương kính trọng bố mẹ.

Một hôm trời đổ cơn mưa lớn, nước lũ ở thượng nguồn tràn về mênh mang, khiến mọi người đều ở trong nhà không ai đi làm được cả. Bố mẹ cô, lẽ dĩ nhiên là rất lo lắng, mong sao cho nước mau cạn để cây cối khỏi bị chết úng, thì cô, do tính tình còn trẻ dại, lại thích nô đùa. Rồi cô xuống bên mé nước cậy đá lên, xếp chúng thành một hòn núi giả, lại đi tìm những cành lá gẫy cắm vào xung quanh, để chơi…

Thấy vậy, ông bà bực quá, nghĩ rằng con cái chẳng hiểu được lòng bố mẹ, bèn lên tiếng trách cứ rồi la mắng. Nào ngờ, cô gái thấy tủi thân quá, bèn lủi ra đầu hồi nhà, đứng khóc một mình. Một lúc lâu sau, nhân lúc bố mẹ không ai để ý, cô lại lén ra khỏi nhà, rồi men theo những dải đất cao, đi ra phía bờ biển. Cũng lúc ấy, dập dềnh bên mé nước có một cây gỗ kỳ nam, không biết trôi từ đâu đến. Cô gái còn khóc hồi nữa, rồi nhìn quanh nhìn quẩn, thấy mình hoàn toàn lẻ loi, cô đơn, cô bèn nhảy luôn lên cây gỗ, và một điều kỳ lạ xảy ra: Cô gái đã nhập thân vào cây gỗ. Cây gỗ dập dềnh ở đấy một lúc nữa, như có điều gì còn ghi nhớ và lưu luyến, rồi sau đó, theo sóng biển, trôi mãi lên phương Bắc…

Ông bà bố mẹ nuôi cô gái đang bận việc chẻ củi và may vá trong nhà, tưởng con khóc rồi chơi ở ngoài đầu hồi, nên cũng không để ý. Đến mãi sau, khi lên tiếng gọi thì chẳng thấy con đâu! Hai ông bà bèn nháo nhào đi tìm nhưng khắp chốn cùng nơi, cũng vẫn tuyệt âm vô tín. Nước lụt mênh mang như thế, lại đang cuộn chảy mãi ra biển, họ cho là con gái xảy chân đã trôi ra biển mất rồị Thế là ông bà gào thét, khóc than thảm thiết, sau đó làm lễ cúng chay cho con, và từ đấy trở đi, sống âm thầm, rầu rĩ cho đến cuối đời…

Còn cây gỗ kỳ nam, sau một hồi dập dềnh rồi trôi lên phương Bắc, và cứ thế trôi mãi… trôi mãi… Đến khi sóng lặng gió yên thì đã trôi được cả ngàn dặm đường và dạt vào bờ…

Một buổi sáng dân địa phương nọ ra bờ biển, vô cùng ngạc nhiên thấy có cây gỗ lạ rất đẹp trôi từ đâu đến. Họ bảo nhau mang thừng chão ra buộc vào rồi cùng kéo lên bờ, nhưng hàng trăm người xúm vào mà cây vẫn không nhúc nhích. Họ bèn đóng cọc ghim lại để tìm kế sách khác, và cũng từ đấy, dường như ngay tức khắc, tiếng đồn về cây gỗ kỳ lạ đã lan ra khắp cả vùng.

Hoàng tử ở phương Bắc bấy giờ vào tuổi kén vợ, đang đi chu du khắp chốn cùng nơi để tìm cho ra một người ưng ý. Khi đến vùng này, nghe chuyện cây gỗ kỳ lạ, chàng cũng tò mò tìm đến. Thấy cây gỗ đẹp thì có đẹp nhưng cũng không lớn lắm mà sao cả trăm người kéo không được thì chàng lấy làm lạ lắm. Cũng vẫn là tò mò, chàng xắn tay áo lên, bảo mọi người cho mình kéo thử một cái xem saọ

Chiều ý Hoàng tử, mọi người lui cả ra. Nhưng thật vô cùng bất ngờ, khi hoàng tử vừa cầm thừng co tay lại thì cây gỗ cũng lập tức chuyển động, rồi dần dần, theo sức kéo mà tiến vào bờ. Đến khi chạm đất, Hoàng tử kéo mạnh một cái nữa thì cây hoàn toàn đã nằm trên bãi biển.

Mọi người vô cùng phấn khởi, vỗ tay reo hò không ngớt. Xong xuôi, sau khi hỏi ý kiến dân làng, Hoàng tử cho quân lính đem cây gỗ về Kinh đô.

Về phía dân làng, tuy cũng có người còn tiếc rẻ, nhưng đa phần cho rằng, đưa cây gỗ về kinh là hợp lý hơn cả vì như vậy tất cả bàn dân thiên hạ sẽ đều được chiêm ngưỡng. Còn về phía Hoàng tử thì cũng chẳng có vui mừng nào hơn, chàng cho là có duyên cớ, bèn không tiếp tục đi tìm vợ nữa, mà cùng quân lính trở về kinh, cùng với cây gỗ.

Khỏi phải nói, khi về đến Kinh đô thì mọi người, mọi nơi nghe tiếng, nao nức tìm đến xem đông như thế nàọ Nhưng rồi sự kiện ấy cũng mau chóng qua đi bởi lẽ mọi người nhìn mãi rồi cũng chán, vì cây đẹp thì có đẹp nhưng chẳng thấy có biểu hiện gì là lạ lùng cả. Mà dân chúng cần là cần sự lạ lùng, xưa nay chưa từng có, chứ không phải là một cái cây đẹp.

Chỉ riêng có Hoàng tử, do chính tay mình đã chứng kiến và thực hiện được một điều kỳ diệu, nên còn giữ mãi trong lòng sự vui mừng và niềm mong đợi. Khi mọi người đã xem chán xem chê, đến mức không còn ai thiết xem nữa, thì Hoàng tử mới sai quân lính đem cây về trước Đông cung để hàng ngày được nhìn ngắm và gần gũi với câỵ

Cây quả là đã có tình ý với Hoàng tử thật. Từ đó trở đi, mỗi đêm trăng sáng, Hoàng tử bỗng thấy trong thân gỗ bước ra một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, và cùng lúc, là mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra theo mỗi bước chân của nàng.

Mê mẩn trước người đẹp, Hoàng tử vội vàng chạy tới, nhưng lần nào cũng vậy, hễ cứ giáp mặt, là người con gái lại biến ngay vào trong thân gỗ.

Sau vài lần như thế, Hoàng tử đã nghĩ ra được một cách, cũng khá đơn giản chứ chẳng có gì ghê gớm lắm. Chàng cho mấy người lính hầu đứng nấp ở xung quanh, còn tự mình cũng nấp sau ở gần đấỵ Khi cô gái vừa xuất hiện thì Hoàng tử đã bước ra nắm chặt lấy tay nàng, và mấy người lính cũng lập tức khiêng cây gỗ đem dấu biến đi. Hoàng tử bảo cô gái hãy vui lòng vì chàng mà ở lại. Cô gái e lệ cúi đầu. Thế rồi, ngay lúc đó chàng dẫn nàng đến trình với đức vua cha và hoàng hậu, kể lại hết đầu đuôi ngọn ngành, và xin cha mẹ hãy tác thành cho họ.

Nhà vua lắng nghe, rồi nói: “Được. Để xem”, xong cho gọi thị nữ đưa nàng về phòng riêng, còn Hoàng tử thì trở về Đông cung.

Sáng hôm sau thiết triều, nhà vua cho triệu quan Thái bốc lại để bói xem điều lành điều gở thế nào. Sau khi nghe tấu trình là quẻ đại phúc, nhà vua cả mừng rồi ngay sau đó, cho cử đại lễ để hoàng tử sánh duyên cùng cô gái.

Từ đó, cuộc sum vầy của đôi trai gái diễn ra thật vô cùng êm ả, hạnh phúc. Ba năm sau, họ sinh được một gái và một trai.

Tưởng rằng cuộc tình duyên ấy sẽ mặn nồng mãi mãi đến lúc đầu bạc răng long. Nào ngờ Hoàng tử cũng là kẻ bạc tình, chỉ chung thủy được có mấy năm đầu. Khi vợ đã có con thì chàng ta đâm ra hay chơi bời chứ chẳng quan tâm được như trước. Nay rượu, mai cờ bạc, rồi đi dong duổi khắp nơi, không chú ý gì đến việc dạy dỗ con cái. Nàng đã nhiều lần khuyên can nhưng chàng vẫn chứng nào tật ấy, làm nàng rất chán nản. Vì vậy, ở trong hoàng cung, sống giữa nhung lụa, kẻ hầu người hạ không thiếu, mà nàng cảm thấy bơ vơ, rồi buồn tủi xót xa, chỉ muốn tìm cách bỏ đi, không chút luyến tiếc. Bởi vì con người ta vốn là vậy, nên dẫu là thần thánh, thì khi tình yêu đã hết, tất cả sẽ chỉ là vô nghĩa.

Thế rồi một hôm, nhân khi Hoàng tử bỏ đi chơi lâu ngày, nàng tìm thấy cây kỳ nam mà khi trước bọn lính đã đem dấu biệt. Nàng gọi hai con đến rồi đọc một câu thần chú, thế là cả ba mẹ con cùng nhập vào cây kỳ nam. Cây kỳ nam tự chuyển động rời khỏi hoàng cung rồi lăn xuống sông. Từ sông, kỳ nam dòng nước trôi ra biển. Biển lúc ấy bỗng nhiên nổi luồng gió trái. Và theo chiều gió, cây kỳ nam trôi mãi, trôi mãi… Cuối cùng trở lại biển phương Nam.

Đến đúng trước cù lao Huân thì gió lặng và cây kỳ nam dừng lạị Cây trôi vào sát mép nước. Từ thân cây, cả ba mẹ con bỗng chốc hiện ra, bước lên bờ, rồi trở về nhà cũ. Cả hai ông bà cha mẹ nuôi lúc ấy đều đã mất. Nhà vắng vẻ tiêu điều. Ba mẹ con bắt tay ngay vào việc dọn dẹp sửa sang cửa nhà, lập bàn thờ cha mẹ, ông bà tổ tiên, rồi cùng làm ăn sinh sống với dân làng. Từ đấy trở đi, quê hương, vùng cù lao Huân mỗi ngày một thêm ấm no, trù phú. Thế rồi đến một hôm, giữa lúc trời quang mây tạnh, trước sự chứng kiến và ngạc nhiên của mọi người, cả ba mẹ con cùng bay vút lên trời…

Ở phương Bắc, Hoàng tử đi chơi về thấy vợ con mất tích. Tìm cây kỳ nam ngày trước thì cũng chẳng thấy đâu. Chàng hối hận vô cùng, lòng tự nhủ lòng sẽ tìm ra bằng được ba mẹ con, dẫu có phải đi xuống tận địa ngục.

Khi xưa, lúc ở bờ biển chàng có nghe dân chúng nói cây gỗ này trôi từ biển phương Nam lạị Thế là Hoàng tử vào từ biệt vua cha và hoàng hậu, rồi cùng một số gia nhân, binh lính và thủy thủ xuống thuyền, dong buồm vượt biển hướng về phương Nam.

Khi thuyền vừa đúng đến cửa Đại An thì bỗng đâu một trận cuồng phong dữ dội nổi lên. Thuyền đắm, cả Hoàng tử cùng gia nhân thủy thủ đều chìm sâu xuống đáy nước. Nhưng khi cơn bão tan thì tự nhiên biển ở chỗ ấy cũng nổi lên một mô đá nhỏ, vượt cao khỏi mặt nước. Trên mặt mô đá có những hình thù ngoằn ngoèo tựa như những hàng chữ nổi. Từ bao đời nay, đã có nhiều người hay chữ và kiến thức uyên bác đi thuyền tới đó, nhưng chưa ai đọc được đấy là những chữ gì. Và có lẽ như thế nên có thể cho rằng, những điều bí mật của thiên cơ, chắc còn lâu người ở dưới trần gian mới có thể hiểu thấu được hết.

Ba mẹ con nàng tiên đã về trời, nhưng từ đó đến nay vẫn thường hiển linh ở các nơi gần xa quanh vùng cửa Đại An, vùng cù lao Huân, cù lao Yến. Vì vậy dân đi biển, đi đánh cá, đi tìm tổ yến vẫn thường bày lễ vật, thắp hương rồi hướng mặt lên trời cao cầu xin sự che chở, phù hộ độ trì của nàng tiên, mà từ đó trở đi được kính cẩn tôn xưng là bà chúa Ngọc.

Bà chúa Ngọc còn được gọi là bà chúa tiên hay Thánh mẫu Thiên Ya na, theo cách gọi của người Chăm pa, một dân tộc đã định cư lâu dài ở vùng đất nàỵ Từ Huế đến Nha Trang ở đâu cũng có điện thờ bà chúa Ngọc. Triều Nguyễn có sắc thượng phong cho bà là “Hồng Nhân phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần”.

Tại Nha Trang có tháp lớn cao sáu trượng để thờ bà chúa Ngọc. Lại có cả những tháp nhỏ xung quanh để thờ Hoàng tử, hai người con và hai ông bà bố mẹ nuôi. Bia đặt trong tháp lớn do chính tay quan đại thần Phan Thanh Giản thời Tự Đức soạn.

Trước kia, hàng năm triều Nguyễn đều ủy thác cho bộ Lễ về đây làm lễ quốc tế.
Read more…